Cải thiện, nâng cao mức sống cho lao động tự do

Nỗi lo mất việc luôn thường trực

Sinh ra và lớn lên tại làng nghề truyền thống làm tăm hương với thương hiệu nổi tiếng hơn 100 năm nhưng chị Lê Thị Ánh (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội) cho biết, làm nghề này rất vất vả nhưng mức thu nhập không cao, chỉ dao động từ 7 - 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mức thu nhập này rất ít người lao động ở đây đạt được vì đòi hỏi về sức khỏe, kỹ năng và sự chăm chỉ. Phần lớn người trong xã Quảng Phú Cầu chỉ có thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/tháng.

Tuy thu nhập không cao nhưng nhiều lao động tại các làng nghề không nghĩ đến chuyện bỏ việc, vì đây đã là công việc gắn bó với họ nhiều năm cùng các kỹ năng đã quen thuộc. Nếu để mất công việc này đồng nghĩa họ sẽ phải mất thời gian rất lâu để làm tốt một công việc mới.

Lao động tư do đối diện với nhiều nguy cơ về sức khỏe và thu nhập. Nguồn: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Không may mắn sinh ra tại một làng nghề như chị Ánh, cứ sáng sớm, chị Phùng Thị Phương (Vĩnh Tuy, Hà Nội) phải đạp xe từ nhà lên phố để bán vé số, rồi chiều muộn về nhà nấu cơm. Với thu nhập khoảng 250.000 đồng/ngày, chị luôn phải chắt bóp, tính toán chi tiêu thật cẩn thận để nuôi 2 con nhỏ. Thêm vào đó, chỗ ngồi của chị Phương cũng chỉ là một góc vỉa hè có thể bị dừng kinh doanh bất cứ lúc nào, nỗi lo về việc mất "cần câu cơm" luôn thường nhật trong mỗi lần dọn sạp bán hàng.

Chị Phương cũng chia sẻ thêm, dạo gần đây, giá cả hàng hóa, thực phẩm bắt đầu tăng cao khiến chị lo lắng nhiều hơn, bữa cơm vốn đã đơn giản nay càng trở nên đạm bạc.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5.2024 vừa qua tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá thịt lợn, giá rau tăng, giá điện sinh hoạt tăng khi thời tiết nắng nóng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5.2024 tăng 0,05% so với tháng trước. Bên cạnh đó, khảo sát về tình hình đời sống dân cư tháng 4 cũng cho thấy, có khoảng 30,6% hộ gia đình đang chịu ảnh hưởng do giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao.

Nguy cơ tai nạn lao động luôn rình rập

Không chỉ đối mặt với nguy cơ mất việc, thu nhập thấp mà những nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe cũng ngày ngày đeo bám với lao động tự do. Những ngày vừa qua thời tiết tại các tỉnh miền Bắc khá khắc nghiệt, trong đó, nhiều nơi nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến hơn 40 độ C. Do thời tiết nắng nóng, lực lượng lao động tự do, thợ xây, thợ hồ, tài xế đã phải chật vật để chống chọi.

TS.BS Phạm Đăng Hải, Phó Chủ nhiệm Khoa Hồi sức nội và chống độc (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết, trời nắng thường kéo theo nguy cơ lớn về sốc nhiệt hoặc say nắng. Bị say nắng, sốc nhiệt không chỉ khiến con người mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu... mà say nắng, say nóng còn có khả năng dẫn đến đột quỵ. Nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn tới di chứng thần kinh không hồi phục hoặc tổn thương đa cơ quan và tử vong.

Thêm vào đó, vì không được bảo đảm bởi các chính sách an sinh, lao động tự do sẽ còn khó khăn hơn khi xảy ra tại nạn lao động. Trong 5 năm qua, ước tính mỗi năm có trên 1.400 người lao động tự do tử vong do tai nạn lao động, cao gấp gần 2 lần khu vực người lao động có hợp đồng lao động.

Bảo vệ quyền lợi của lao động tự do

Để giải quyết vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, cần thiết phải xem xét và điều chỉnh khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi của lao động tự do. Các ngành chức năng như lao động xã hội, y tế, bảo hiểm… cần phải tính tới chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để họ có thể bảo đảm và thụ hưởng tốt hơn về chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Đồng thời, cần mở rộng và cải thiện hệ thống dịch vụ việc làm để họ có cơ hội dễ tiếp cận việc làm và cơ hội nghề nghiệp.

Lao động tư do đối diện với nhiều nguy cơ về sức khỏe và thu nhập. Ảnh: Chính Thành

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã soạn thảo dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Dự thảo đề xuất đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện là người làm việc không theo hợp đồng lao động từ đủ 15 tuổi trở lên.

Dự thảo quy định 2 chế độ cơ bản về tai nạn lao động mà người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được hưởng, gồm có: giám định mức suy giảm khả năng lao động và chế độ trợ cấp một lần. Trong đó, đối với người lao động bị chết do tai nạn lao động mức hưởng một lần là 32 tháng lương tối thiểu vùng IV. Bên cạnh việc quy định các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, dự thảo quy định điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, tương tự như bảo hiểm tai nạn lao động bắt buộc.

Theo các chuyên gia, điều này là cần thiết, góp phần khắc phục hạn chế của bảo hiểm thương mại, phát huy tính ưu việt của bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong việc bảo đảm an sinh xã hội. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng cuộc sống của lao động tự do, cần tăng cường đào tạo và tuyên truyền áp luật, giúp họ hiểu rõ về quyền lợi và trách nhiệm của mình. Điều này không chỉ giúp họ có thêm kỹ năng, mà còn tạo ra một môi trường làm việc tích cực và an toàn.

Dương Lê