Thưởng lãm 'Một thoáng di sản' trên thành phố vì hòa bình

Trưng bày 'Một thoáng di sản' được thiết kế với sự kết hợp hài hòa giữa hai gam màu chủ đạo là xanh và vàng.

Ngày 27/6, Sở Văn hóa và ể thao Hà Nội cho biết, nhân kỷ niệm 25 năm Ngày Thủ đô Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, một trưng bày độc đáo mang tên “Một thoáng di sản” sẽ chính thức mở cửa từ ngày 1/7 tại di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Chu du qua miền di sản

“Một thoáng di sản” giới thiệu tư liệu và hình ảnh về 25 di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến và địa điểm lưu niệm sự kiện của à Nội, góp phần tri ân công lao, sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, người dân đã chiến đấu vì nền độc lập tự do của dân tộc và dựng xây Hà Nội - Thành phố vì hòa bình.

Tại trưng bày, công chúng sẽ được thưởng lãm hình ảnh, tư liệu về Khu Đấu xảo, Nhà số 90 phố Thợ Nhuộm, Nhà số 5D phố Hàm Long, Ngân hàng Đông Dương chi nhánh Hà Nội, ắc Bộ Phủ, Pháo đài Láng, Di tích Hội nghị Quân sự Trung Giã, Cột cờ Hà Nội, Ga Hà Nội, cầu Long Biên...

Khu Đấu xảo do chính quyền thực dân Pháp xây dựng năm 1899 - 1902 trên đại lộ Gambetta (nay là phố Trần Hưng Đạo), là nơi triển lãm và tổ chức hội chợ trưng bày sản phẩm Việt Nam, Pháp và nhiều nước trên ế giới.

Sau đó, địa điểm này được dùng làm Bảo tàng Nông nghiệp, Thương nghiệp và Công nghiệp của Pháp, doanh trại quân Nhật, Nhà hát nhân dân và chuyển thành Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô.

Nhà số 90 phố Jean Soler (nay là phố Thợ Nhuộm) là nơi làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lâm thời, nơi đồng chí Trần Phú viết dự thảo Luận cương Chính trị của Đảng năm 1930. Hiện, đây là nơi trưng bày tài liệu, hiện vật liên quan đến đồng chí Trần Phú và là trụ sở của Ban Quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội.

Nhà số 5D đại lộ Dourdart de Lagreé (nay là phố Hàm Long) là nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam tháng 3/1929. Hiện, nơi đây trưng bày các tài liệu, hiện vật gắn liền với sự ra đời của Chi bộ Cộng sản đầu tiên.

Bắc Bộ Phủ trước đây là Phủ Thống sứ Bắc Kỳ do chính quyền thực dân Pháp xây dựng. Sau khi đảo chính Pháp (9/3/1945), phát xít Nhật đổi tên thành Phủ Khâm sai Bắc Kỳ. Ngày 20/8/1945, tòa nhà được đổi tên thành Bắc Bộ Phủ, là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện nay, tòa Phủ Thống sứ trở thành Nhà khách Chính phủ.

Nhà số 48 phố Hàng Ngang là tư gia của vợ chồng nhà tư sản Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ, được Trung ương Đảng chọn làm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội cuối tháng 8/1945.

Tại đây, Người cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định nhiều chủ trương quan trọng về đối nội, đối ngoại, về thành phần của Chính phủ mới và tổ chức ngày lễ Độc lập…

Ở một căn phòng trên tầng hai của ngôi nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1979, Nhà số 48 phố Hàng Ngang được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Hiện nay, đây là nơi trưng bày các tư liệu, hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian viết Tuyên ngôn Độc lập và họp Ban Thường vụ Trung ương Đảng.

25 di tích tiêu biểu thông qua hệ thống tư liệu và hình ảnh sẽ đem đến góc nhìn đa chiều cho công chúng.

Đất lành “gieo mầm” thịnh vượng

Ngày 16/7/1999, Hà Nội là thành phố châu Á đầu tiên được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Suốt 25 năm qua, Hà Nội đã nỗ lực để không chỉ xứng đáng với danh hiệu ấy, mà còn phát huy sự tích cực trong công cuộc phát triển Thủ đô.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” được trao tặng cho Hà Nội không chỉ vì đại diện cho khát vọng hòa bình ngàn đời của dân tộc Việt Nam, mà UNESCO còn đánh giá trên nhiều tiêu chí khác: Thúc đẩy đoàn kết xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, chống phân biệt đối xử và ủng hộ đối thoại cộng đồng; hoạt động mẫu mực trong phát triển văn hóa, giáo dục, đặc biệt là giáo dục công dân và thế hệ trẻ; giải quyết các vấn đề xã hội, đô thị hóa và xử lý môi trường sinh thái.

Từ khi được tặng danh hiệu đến nay, Hà Nội luôn thể hiện là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế. Tổng lượng khách du lịch đến Thủ đô ước đạt 24 triệu lượt vào năm 2023. Hà Nội cũng trở thành “đất lành” đối với người nước ngoài chọn lựa du lịch, sinh sống và làm việc.

Sự ổn định chính trị và sự thân thiện của người dân đã nâng tầm văn hóa khi Hà Nội thành điểm tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế như: Hội nghị cấp cao APEC, Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới...

Điều đặc biệt, cùng với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, năm 2019 Hà Nội vinh dự trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Đây là cơ hội lớn để định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa, thúc đẩy sáng tạo và công nghiệp văn hóa.

Không chỉ là thành phố tiêu biểu, Hà Nội còn là mảnh đất ngàn năm văn hiến, chứa đựng hồn cốt văn hóa và di sản, gồm 5.922 di tích lịch sử - văn hóa. Trong đó có một di sản văn hóa thế giới, 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho rằng, những thành tựu quan trọng của Hà Nội sẽ luôn được phát huy, và trưng bày “Một thoáng di sản” góp phần nhắc nhớ công lao, sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, người dân đã chiến đấu vì nền độc lập tự do của dân tộc và dựng xây Hà Nội – Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trưng bày “Một thoáng di sản” được thiết kế với sự kết hợp hài hòa giữa hai gam màu chủ đạo là xanh và vàng: Màu xanh tượng trưng cho hiện tại, hy vọng, sáng tạo; màu vàng biểu trưng cho quá khứ, lịch sử.

Không gian trưng bày với các chi tiết uốn lượn mềm mại, tạo hình ảnh “Con đường di sản”, nổi bật trên đó là những nét vẽ bay bổng, minh họa cho các di sản của Hà Nội… Với thiết kế độc đáo này, ban tổ chức hy vọng sẽ giúp công chúng yêu thích tìm hiểu lịch sử và cảm nhận được vẻ đẹp, giá trị, ý nghĩa của từng di sản.

Trần Hòa