Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới

Hằng năm, công tác chăm lo các đối tượng chính sách, người có công trên địa bàn được tỉnh chú trọng, quan tâm.

Nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong triển khai thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Huy động, phân bổ, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong triển khai thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, phù hợp với điều kiện, khả năng của địa phương, trong đó nguồn lực nhà nước đóng vai trò chủ đạo, huy động thêm các nguồn lực xã hội hóa.

Mục tiêu đến năm 2030, không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và nhân dân lao động; bảo đảm mức tối thiểu về việc làm, thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin và truyền thông cho nhân dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; tăng cường và phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân; đẩy mạnh giải quyết việc làm và thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các tầng lớp và các nhóm dân cư trong xã hội, giữa thành thị và nông thôn. Phấn đấu 100% tỷ lệ người có công và gia đình chính sách có mức sống trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư; 40% tỷ lệ lao động là người khuyết tật còn khả năng lao động có việc làm; tỷ lệ thất nghiệp giảm 3%; 58% tỷ lệ lao động qua đào tạo...

Với nhiệm vụ, giải pháp, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của chính sách xã hội; nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước về chính sách xã hội; thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững cho người lao động. Xây dựng hệ thống an sinh xã hội bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, không để ai bị bỏ lại phía sau. Thực hiện phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng. Từng bước hình thành hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra; định kỳ xây dựng báo cáo hằng năm, đột xuất (khi có yêu cầu), tham mưu thực hiện sơ kết, tổng kết đánh giá việc triển khai thực hiện Kế hoạch, các khó khăn, vướng mắc và hướng khắc phục gửi các cơ quan cấp trên theo quy định.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; lĩnh vực việc làm, phát triển giáo dục nghề nghiệp, chính sách đối với người có công, trợ giúp người cao tuổi, các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em đặc biệt khó khăn, người khuyết tật và các chính sách xã hội khác.

Triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện hỗ trợ cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin về người có công, bảo trợ xã hội, trẻ em và giảm nghèo theo hướng phân cấp, gắn với dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh thực hiện thanh toán các chế độ chính sách ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt.

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, Thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo kế hoạch.

P.V