Hướng đến toàn diện, công bằng, nhân văn

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Đó là ý kiến của Ban Văn hóa - Xã hội về Nghị quyết quy định chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh ắc Ninh tại Kỳ họp thứ 17 của HĐND tỉnh Khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững luôn được Đảng bộ, chính quyền các cấp của tỉnh triển khai đồng bộ, có hiệu quả để cải thiện điều kiện sống của người nghèo.

Cùng với các chính sách của Trung ương, tỉnh Bắc Ninh cũng đã ban hành nhiều chính sách đặc thù cho các đối tượng bảo trợ xã hội. Đặc biệt HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01/2023/NQ-HĐND ngày 12.4.2023 quy định chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023 - 2025 (nâng mức chuẩn nghèo cao hơn so với quy định của Trung ương) và Nghị quyết số 11/2023/NQ-HĐND ngày 7.7.2023 quy định chính sách hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo, người cao tuổi và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Chủ tọa biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh Ảnh: Hải Yến

Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo tính đến hết năm 2023 là 0,92%, vượt chỉ tiêu được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra (tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%).

Các Nghị quyết đã hỗ trợ các đối tượng bảo trợ theo mức chuẩn nghèo mới của tỉnh và tiếp tục mở rộng, bao phủ toàn diện hơn các nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác được thụ hưởng, tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội, nhằm cải thiện và nâng cao mức sống của người dân, tạo sự chuyển biến, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế. Qua đó, thể hiện chính sách của tỉnh quan tâm đến một số đối tượng yếu thế trong xã hội "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" và đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 không còn hộ nghèo.

Có thể thấy, việc ban hành chính sách hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo, người cao tuổi và các đối tượng khó khăn không thể thoát nghèo trên địa bàn tỉnh là cần thiết. Trên cơ sở đó, Ban Văn hóa - Xã hội nhất trí với đề nghị tại Tờ trình số 169/TTr-UBND ngày 17.6.2024 của UBND tỉnh về việc đề nghị ban hành Nghị quyết quy định chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Tuy nhiên, theo Ban Văn hóa - Xã hội, thực tế hiện nay vẫn có hiện tượng hộ khó khăn nhận được sự bảo trợ, song họ vẫn còn sức lao động, có thể lao động thoát nghèo nhưng không muốn thoát nghèo. Theo đó, đối với trường hợp này, Ban đề nghị tỉnh chỉ đạo hệ thống chính trị, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể... để bảo đảm chính sách chỉ hỗ trợ những hộ thực sự khó khăn.

Chú trọng rà soát, hỗ trợ đúng đối tượng

Tại kỳ họp, sau khi các đại biểu cho ý kiến và biểu quyết, Nghị quyết Ban hành Quy định chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã được thông qua.

"Đây là nghị quyết quan trọng để tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chăm lo bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội" - Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Quốc Chung khẳng định.

Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh tiếp tục rà soát các đối tượng chính sách xã hội khác (đối tượng bảo trợ xã hội, người yếu thế,…) và các đối tượng đã có chính sách hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ còn thấp, chưa bảo đảm cuộc sống (nạn nhân chất độc da cam/dioxin, thanh niên xung phong, người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày,…) trên địa bàn tỉnh để tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ mới, nhằm bảo đảm tính toàn diện, công bằng và nhân văn của tỉnh.

Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Quốc Chung khẳng định Nghị quyết quy định chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh là nghị quyết quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Ảnh: Hải Yến

Song song với đó, rà soát lại các chính sách hỗ trợ, bảo trợ xã hội đã ban hành ngoài các chính sách hỗ trợ hàng tháng, xem xét hỗ trợ thêm các dịch vụ xã hội cơ bản (bảo hiểm y tế, tiền điện, nước sinh hoạt,…) để bảo đảm cuộc sống cho các đối tượng khó khăn.

Sau khi rà soát các chính sách, các đối tượng mà vẫn còn những trường hợp chây ỳ, có sức lao động nhưng không muốn thoát nghèo, nghèo bền vững; đề nghị UBND tỉnh đề xuất giải pháp yêu cầu hệ thống chính trị, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể… vào cuộc nhằm vận động, tài trợ, giúp đỡ các đối tượng này thoát nghèo.

Hải Yến