Báo chí vẫn là 'dòng chảy chính'

Báo chí vẫn là kênh quan trọng để đưa thông tin kịp thời, chính xác đến người dân. Ảnh: Đức Quang.

Dự báo được các yếu tố “nhiễu” và “phản hồi”

Mọi chính sách đều phải hướng đến sự rõ ràng, minh bạch để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng. Để làm được thực chất điều này thì truyền thông chính sách không phải chỉ là chuyển tải chính sách đến với nhân dân. Chính sách phải được truyền thông từ sớm, từ lúc hình thành dự thảo chính sách, tiếp nhận phản hồi để khi chính sách được ban hành thì có thể được đa số công chúng đồng tình và phát huy hiệu lực trong thực tiễn.

Làm thế nào để tăng hiệu quả truyền thông chính sách để tác động một cách sâu rộng, để thay đổi được nhận thức và hành vi của nhóm công chúng mà chính sách hướng đến?

Việc hiểu đúng và nhận thức đúng mô hình truyền thông, các yếu tố của quá trình truyền thông chính sách sẽ giúp tất cả các cơ quan, bao gồm cả báo giới có nhiệm vụ truyền thông chính sách thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Trên ế giới, mô hình truyền thông hiện đại được sử dụng rộng rãi hiện nay được mô tả như sau:

Như vậy, thông tin được bắt đầu từ nguồn phát (chủ thể truyền thông), sau khi thông điệp được mã hóa sẽ truyền tải các kênh truyền thông, thông điệp sẽ được giải mã và đến với người tiếp nhận thông điệp.

Trong đó: S (Source) là Nguồn phát (người gửi) thông điệp; M (Message) là Thông điệp; C (Channel) là Kênh truyền thông; R (Receiver) là Người nhận tin; E (Effect): Hiệu quả.

Tuy nhiên, quá trình truyền thông này không đơn thuần một chiều, nó có yếu tố “Nhiễu” (Noise) trong quá trình thông tin đi từ nguồn tới người tiếp nhận và khi tiếp nhận thì người nhận sẽ có sự phản hồi (feedback) trở lại.

Sự mô tả này khẳng định truyền thông là một quá trình trao đổi thông tin hai chiều, luôn diễn ra trong bối cảnh của các mối quan hệ tương tác giữa các cá nhân, đồng thời bác bỏ quan điểm về ảnh hưởng tuyệt đối của truyền thông tới đối tượng tiếp nhận.

Với sự bùng nổ của mạng xã hội hiện nay, yếu tố "nhiễu" mà các nhà lý thuyết truyền thông đưa ra từ nhiều chục năm trước càng trở thành một yếu tố lớn, không thể xem thường, thậm chí còn đóng vai trò thay đổi nhận thức trong quá trình tiếp nhận truyền thông. Điều này đặt ra cho truyền thông chính sách những thách thức lớn, không phải chỉ là đưa tin một chiều, lắng nghe và tiếp nhận phản hồi của công chúng mới có thể xây dựng được chính sách phù hợp với đời sống.

Truyền thông chính sách khách quan, nhiều chiều

Mạng xã hội là nơi phản ánh nhanh hơn, nhạy hơn quá trình tiếp nhận chính sách (đặc biệt là đối với dự thảo chính sách). Thành tố "nhiễu" của quá trình truyền thông chính sách trên mạng xã hội cũng rõ nét hơn. Cũng như mạng xã hội là nơi lan truyền rất nhanh thông tin "phản hồi" tác động ngược trở lại với các nhà xây dựng chính sách.

Cũng với chính những đặc điểm đó, mạng xã hội là nơi khiến quá trình truyền thông bị gây nhiễu, xuyên tạc và trong không ít trường hợp bị hiểu một cách lệch lạc, méo mó. Chưa kể các yếu tố cực đoan, chống phá, phản động trên mạng xã hội tác động đến nhận thức của không ít người trong quá trình tiếp nhận chính sách. Soi chiếu vào lý thuyết về mô hình truyền thông, thấy rõ phải đảm bảo đầy đủ các bước của quá trình truyền thông hai chiều, thì truyền thông chính sách mới thực chất và hiệu quả. Trong đó, đặc biệt phải dự báo được và hết sức chú trọng đến các yếu tố "nhiễu" và tính "phản hồi".

Mặc dù trong nhiều trường hợp, thực tế thời gian qua cho thấy, truyền thông chính sách qua kênh mạng xã hội phát huy hiệu quả rất tốt. Nhiều chính sách được thảo luận dân chủ trên mạng xã hội đến với các đối tượng tiếp nhận dễ dàng hơn. Một số chính sách nhờ quá trình phản hồi, phản biện trên mạng xã hội đã giúp các nhà xây dựng chính sách điều chỉnh phù hợp với yêu cầu và thực tiễn cuộc sống.

Nhưng như phân tích ở phần trên, truyền thông chính sách qua kênh mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố tiêu cực tác động đến quá trình tiếp nhận của người thụ hưởng chính sách. Bởi vậy, tính quan trọng và yếu tố chính trị của chính sách đòi hỏi phải xác định được kênh truyền thông phù hợp để truyền thông chính sách.

Chỉ thị số 7/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ "Về việc tăng cường truyền thông chính sách" ban hành tháng 3/2023, đã xác định "báo chí là dòng chảy chính". Chỉ thị này cũng yêu cầu các Bộ, ban, ngành, địa phương "chủ động định hướng, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí và các phương thức truyền thông khác về những vấn đề dư luận xã hội quan tâm". Trong Chỉ thị cũng viết rõ việc "Nghiên cứu việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan truyền thông, báo chí làm nhiệm vụ truyền thông chính sách phù hợp với yêu cầu và quy định của áp luật".

Không có sự ảnh hưởng tuyệt đối của truyền thông tới đối tượng tiếp nhận, thông tin về chính sách qua kênh báo chí cũng không áp đặt được tới đối tượng tiếp nhận. Bởi vậy, chỉ có sự phản ánh khách quan, nhiều chiều, tiếp nhận, xử lý được các thông tin phản hồi về chính sách để tác động ngược trở lại quá trình xây dựng chính sách thì báo chí mới thực sự "tròn vai" và giữ được vai trò là "dòng chảy chính".

Báo chí và truyền thông chính sách
Khái niệm chính sách trong truyền thông chính sách là các chính sách công bao gồm các biện pháp của Đảng, Chính phủ thể chế hóa và bảo đảm thực thi để giải quyết các vấn đề xã hội hoặc phát triển xã hội.
Truyền thông chính sách là quá trình chuyển tải thông tin về chính sách của Đảng, Nhà nước về những lĩnh vực cụ thể thông qua các kênh truyền dẫn khác nhau, trong đó báo chí chính thống giữ vai trò chính, để đưa chính sách đến với công chúng. Nhằm đảm bảo sự thông suốt giữa chủ thể ban hành chính sách và các nhóm thụ hưởng, điều chỉnh bởi chính sách đó trong xã hội.
Từ đó góp phần thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ của người thụ hưởng chính sách phù hợp với lợi ích của mỗi cá nhân, của cộng đồng và của toàn xã hội không nằm ngoài lợi ích chung của quốc gia, dân tộc và của toàn thể nhân dân.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, truyền thông chính sách không phải chỉ có báo chí chính thống, vai trò truyền thông chính sách của mạng xã hội đang tác động khá rõ nét.
Không thể phủ nhận mạng xã hội có những đóng góp tích cực vào truyền thông chính sách, đặc biệt là tham gia vào quá trình phản biện từ khâu dự thảo chính sách góp phần làm cho chính sách ra đời sát thực hơn với đời sống nhân dân. Nhưng đồng thời mạng xã hội cũng khiến quá trình truyền thông chính sách xuất hiện những thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng hoặc suy diễn không đúng với quan điểm của những người soạn thảo chính sách.
Cho nên tính chính thống, chính xác của báo chí vẫn là sự đảm bảo cho vai trò chủ lực của báo chí trong truyền thông chính sách. Điều này được thể hiện rõ trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ "Về việc tăng cường truyền thông chính sách" ban hành tháng 3/2023, đã xác định "báo chí là dòng chảy chính".
Vậy làm thế nào để báo chí “giữ nhịp” là “dòng chảy chính” trong truyền thông chính sách? Đó là những điều chúng tôi trăn trở đặt ra trong số báo kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay với một mong muốn rằng: Báo chí cần phải được tiếp thêm nguồn lực để làm tốt việc truyền thông chính sách góp phần để chính sách ra đời phù hợp với lòng dân, giúp tạo ra đồng thuận xã hội.
Đ.Đ.K

TH.S NGUYỄN THỊ CẨM THÚY