Vẫn còn nhiều nạn nhân bị lừa đảo đi làm việc ở nước ngoài: Người lao động cần cẩn trọng

Thời gian gần đây còn xảy ra không ít vụ việc ừa đảo đưa lao động đi làm việc tại những nước có thu nhập cao. Do vậy, người lao động cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ thông tin để tránh mất tiền oan.

Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức khóa học tiếng Hàn để tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh: Trần Oanh

Vẫn có người "nhẹ dạ, cả tin"

Theo Công văn số 2445/CV-CSĐT do Thượng tá Đinh Việt Thắng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh ắc Giang ký gửi Báo Hànôịmới ngày 6-6 vừa qua, bị can của vụ án lừa đảo đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và du học để chiếm đoạt tài sản xảy ra ở Hà Nội và Bắc Giang là Lê Văn Công, sinh năm 1987, trú tại thôn Phú Thịnh, xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Thủ đoạn của Công là giới thiệu làm giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Công Minh tại Hà Nội, có khả năng tư vấn làm thủ tục đưa người đi du học, làm việc tại Hàn Quốc, sau đó nhận tiền của nhiều người có nhu cầu rồi chiếm đoạt.

Điển hình như trường hợp chị N.T.T.C đã nộp cho Lê Văn Công 178 triệu đồng để làm thủ tục đi làm việc tại Hàn Quốc nhưng nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết. Cũng như chị N.T.T.C, cho đến nay, theo cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang, tổng số nạn nhân bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền không dưới 30 người. Hiện đơn vị đang tiến hành điều tra, thông báo tìm các bị hại liên quan đến Lê Văn Công để thu thập tài liệu, chứng cứ nhằm xử lý đối tượng theo đúng quy định áp luật.

Thời gian qua, nhiều nạn nhân của nạn lừa đảo đi làm việc ở nước ngoài cũng liên tục tố việc này trên các hội nhóm mạng xã hội. Đơn cử, tại nhóm Facebook Cộng đồng bóc phốt lừa đảo du học và xuất khẩu lao động, hành vi ăn cắp hình ảnh, tên công ty có uy tín để lừa tiền người lao động đi làm việc ở Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia... khá phổ biến.

Điển hình là đối tượng có tên là Nguyễn Thị Mỹ Hòa (sinh năm 1988, hộ khẩu thành phố Hồ Chí Minh) có biểu hiện lừa tiền của nhiều lao động để làm thủ tục đi làm việc tại Canada. Khi nhận được tiền của nạn nhân, Hòa làm giả lệnh chuyển tiền của ngân hàng báo đã chuyển cho đối tác nước ngoài và làm giả visa nhưng đến ngày hẹn người lao động ra sân bay thì đối tượng này lặn mất tăm.

Theo phân tích trên tài khoản Facebook Nguyễn Văn Cao, nắm bắt nhu cầu đi làm việc ở một số thị trường có thu nhập cao như Canada, Australia, nên đối tượng lừa đảo đăng thông tin liên tục trên các trang mạng xã hội khiến nhiều người "nhẹ dạ, cả tin". Dù biết những thị trường này rất “khó tính” nhưng chúng vẫn gieo niềm hy vọng đi theo "đường ngách", nên nhiều người không ngần ngại nộp tiền, để rồi ngậm ngùi.

Người lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin

Chia sẻ về thực trạng nêu trên, Phó Trưởng phòng Thông tin và Tuyên truyền (Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Như Tuấn cho biết, các đối tượng đã “giăng bẫy” khắp mọi nơi, từ giới thiệu trực tiếp đến đăng tải trên mạng xã hội bằng việc núp bóng các công ty có dịch vụ đưa người đi lao động ở nước ngoài.

Trong đó, những thị trường thu hút nhiều lao động quan tâm hiện nay là Australia và Canada. Tuy nhiên, với thị trường Canada, điều kiện đưa lao động sang nước này rất khắt khe, phải chứng minh tài chính nên các đối tượng lừa đảo hướng đến là người có thu nhập cao, sau đó chúng làm giả giấy tờ, thu tiền rồi đưa họ đi theo đường du lịch hoặc bỏ trốn. Còn với thị trường Australia, đầu tháng 3-2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam đã ký kết với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc trong ngành Nông nghiệp tại nước này. Thế nhưng, trong khi hai bên chưa thống nhất được cơ chế triển khai cụ thể thì đã xuất hiện một số tổ chức, cá nhân công bố được 2 bộ nói trên lựa chọn để tuyển dụng và thu tiền của người lao động làm thủ tục đi làm việc ở Australia.

Trước sự việc trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 2045/BLĐTBXH-CQLLĐNN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu rõ, đến thời điểm này, Bộ chưa cấp phép cho bất cứ doanh nghiệp, tổ chức nào đưa lao động đi làm việc tại Australia trong lĩnh vực nông nghiệp. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng tuyên truyền người lao động không đăng ký, nộp tiền cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào để tham gia chương trình lao động nông nghiệp tại Australia cho tới khi cơ quan có thẩm quyền của 2 nước công bố chính thức danh sách các đơn vị được lựa chọn tham gia chương trình.

Đối với các thị trường lao động khác, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã đăng tải công khai danh sách 487 doanh nghiệp được cấp phép đưa người đi làm việc tại nước ngoài; 216 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép trên website http://dolab.gov.vn. Để tránh bị rơi vào bẫy lừa, người dân nên tìm hiểu kỹ tính pháp lý của doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tránh bị mất tiền oan.