Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài

Sự kiện được tổ chức với mục tiêu xây dựng mối liên hệ trong công tác quản lý, bảo hộ công dân đối với lao động tại nước sở tại, giữa Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài với các cơ quan quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động, công ty xuất khẩu lao động trên địa bàn Thành phố.

Quang cảnh Hội nghị. (Nguồn: BTC)

Phát biểu khai mạc, bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về NVNONN TP. Hồ Chí Minh bày tỏ mong muốn thông qua Hội nghi, thiết lập một kênh liên lạc hợp tác hiệu quả và bền vững giữa các Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp trong việc quản lý và bảo vệ quyền lợi của người lao động, chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài.

Bà Mai khẳng định, đây là dịp để kiều bào tại các nước chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nhằm tạo điều kiện tốt nhất để người lao động, chuyên gia của Thành phố có thể thăng tiến và phát triển tại thị trường nước ngoài.

Tại hội nghị, bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 70 doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trước năm 2020, bình quân mỗi năm các doanh nghiệp đã đưa từ 10.000-14.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19, các nước hạn chế tiếp nhận lao động nước ngoài để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, do đó, số lượng lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài giảm mạnh.

Thu nhập bình quân hằng tháng của người lao động khoảng từ 15 triệu đến 28 triệu đồng; người lao động đi làm việc chủ yếu chưa qua đào tạo, phần lớn là lao động phổ thông làm công việc giản đơn, số có trình độ từ trung cấp trở lên chiếm tỷ lệ chưa cao. Hội nghị đề cập những thách thức và cơ hội mà người Việt Nam đang đối mặt khi làm việc và sinh sống ở nước ngoài.

Nội dung thảo luận tập trung vào các vấn đề như chính sách quản lý diện chuyên gia và tu nghiệp; công tác đảm bảo quyền lợi và an sinh xã hội cho người lao động Việt Nam tại nước sở tại; công tác nâng cao chất lượng đào tạo và chuẩn bị cho người lao động trước khi xuất khẩu lao động; kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và thực hiện chính sách xuất khẩu lao động.

Ban tổ chức kỳ vọng sẽ xây dựng mạng lưới liên kết và giao lưu giữa các cơ quan chức năng, tổ chức đào tạo, doanh nghiệp và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nhằm tạo ra một hệ thống hỗ trợ toàn diện và bền vững cho người Việt Nam ở nước ngoài, qua đó thiết lập cơ chế hỗ trợ và bảo vệ tốt hơn cho người Việt Nam khi sinh sống, lao động ở sở tại.

Các giải pháp đề xuất bao gồm cải thiện quy trình tuyển chọn và đào tạo lao động, tăng cường hỗ trợ tư pháp và tư vấn cho người lao động, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lao động, tạo môi trường công bằng và an toàn cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài.

Các đề xuất và ý kiến được đưa ra trong Hội nghị sẽ được Ủy ban về NVNONN TP. Hồ Chí Minh tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu và triển khai trong thực tế.

Lê An