Chuyên gia Nga: Trực thăng Trung Quốc không thể tàng hình

Chuyên gia Nga đưa ra nhận định trên khi nói về mô hình dòng trực thăng Z-20 phiên bản tàng hình vừa được Trung Quốc giới thiệu. Theo Drive, mô hình trực thăng tàng hình của Viện Nghiên cứu và Phát triển Trực thăng, công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) được phát triển trên cơ sở Z-20 bị cáo buộc sao chép Black Hawk của Mỹ.

Mô hình trực thăng tàng hình của Trung Quốc.

Hình ảnh được công bố cho thấy mẫu trực thăng Z-20 tàng hình có khung thân với các mặt vát tương tự biến thể tàng hình H-60 Stealth Hawk của đặc nhiệm Mỹ. Động cơ cánh quạt chính với nắp đậy hình tròn giống Stealth Hawk, song có 5 lưỡi thay vì 4 lưỡi như trên trực thăng Mỹ.

Cánh quạt chính hơi rủ xuống với phần đầu "gấp khúc", có thể được làm bằng vật liệu composite để đảm bảo khả năng tàng hình. Ống xả dường như được đưa ra trục đuôi với hệ thống thông gió rộng phía trên nhằm trộn lẫn khí thải nóng với không khí mát làm giảm bức xạ hồng ngoại phát ra từ trực thăng.

Phần đuôi trên mô hình trực thăng tàng hình của Trung Quốc dường như ít phức tạp hơn mẫu Black Hawk của Mỹ. Nhưng có thể mô hình chỉ mang tính chất minh họa, không thể hiện chính xác thiết kế do phần đuôi của trực thăng là chi tiết nhạy cảm.

Ngoài ra, đơn vị phát triển có thể quan tâm đến việc giảm tiết diện radar đối với phần đuôi thay vì tiếng ồn do cánh quạt đuôi tạo ra. Mô hình mẫu trực thăng mới có in phù hiệu mỏ neo, cho thấy máy bay dường như được phát triển cho Hải quân Trung Quốc.

Với tham vọng phát triển năng lực tác chiến xa bờ, quân đội Trung Quốc có thể ưu tiên phát triển một mẫu trực thăng tàng hình cho hải quân, đặc biệt cho nhiệm vụ tấn công và trinh sát.

Ngay khi nguyên mẫu này được công bố, nó đã khiến giới quân sự giành sự quan tâm đặc biệt.

Nhận định về những thông tin về dòng trực thăng tàng hình này, chuyên gia quân sự cao cấp Nga Iuri Kuzelev cho rằng, đó là những tuyên bố sai lầm về công nghệ tàng hình.

"Không có bất kỳ vật thể bay nào có thể tàng hình hoàn toàn được trước những hệ thống radar tối tân ngày nay, đặc biệt là với trực thăng bởi chúng không thể giấu cánh quạt đi đâu được.

Và chính bộ phận này khiến trực thăng được gọi là tàng hình bộc lộ rõ trên màn hình radar như máy bay cỡ lớn", chuyên gia Nga nói.

Giới chuyên gia cho rằng, đây cũng chính là nguyên nhân khiến Lầu Năm Góc phải từ bỏ chương trình trực thăng tàng hình khác là RAH-66 Comanche dù những chiếc đầu tiên đã được đưa vào trang bị cho một số đơn bị đặc biệt.

RAH-66 có thiết kế khí động học rất nhằm làm giảm tối đa diện tích phản hồi radar. Thân trực thăng lại được phủ thêm một lớp sơn đặc biệt có khả năng hấp thu sóng radar. Các tính toán cho thấy diện tích phản hồi radar của RAH-66 nhỏ hơn 360 lần so với trực thăng tấn công AH-64D Apache.

Thân máy bay được làm hoàn toàn bằng vật liệu composite nhằm giảm trọng lượng và tăng độ bền cơ học. Cánh quạt chính 5 lá được thiết kế độc đáo cùng hệ thống động cơ mới giúp trực thăng hoạt động rất êm.

Rotor đuôi được thiết kế liền với thân nằm trong một khung hình tròn phía trên có các cánh ổn định. Với những thông số này, giới quân sự Mỹ cho rằng, RAH-66 chính là dòng trực thăng tàng hình đầu tiên trên thế giới đi vào hoạt động.

Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn trang bị, dòng trực thăng này đã gây thất vọng lớn khi chúng vẫn bị những hệ thống radar phát hiện dễ dàng. Cùng với đó là chi phí quá lớn để phát triển (khoảng 60 triệu USD/chiếc - đắt hơn những tiêm kích thế hệ 4++ ngày nay).

Chính vì vậy, RAH-66 Comanche đã nhanh chóng bị khai tử. Lầu Năm Góc tiếp tục theo đuổi một chương trình trực thăng tàng hình đầy tham vọng khác là 360 Invictus với hy vọng có thể khắc phục được những điểm yếu của RAH-66.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Iuri Kuzelev, dù áp dụng công nghệ tối tân đến đâu thì cánh quạt của trực thăng luôn là điểm yếu lớn nhất bởi không bao giờ có thể che giấu được chúng trên màn hình radar. Vì vậy, tham vọng phát triển trực thăng tàng hình có thể chỉ dừng lại ở ý tưởng của Trung Quốc.

Đan Nguyên