Chiến sĩ Binh đoàn Than tri ân đồng đội

Mùa hè năm 1967, hàng ngàn thanh niên là những người con thân yêu của nhân dân các dân tộc Quảng Ninh đã lên đường nhập ngũ chi viện cho chiến trường miền Nam. Ba Tiểu đoàn 385, 386 và tiểu đoàn 9, gọi chung là Binh đoàn Than. Cái tên ấy không có phiên hiệu trong quân đội nhưng là niềm tự hào của những người con Vùng mỏ.

Phát huy truyền thống cách mạng của công nhân Vùng mỏ, lớp cán bộ chiến sĩ Binh đoàn Than đã sát cánh cùng quân dân miền Nam kiên cường chiến đấu, lập nhiều chiến công vang dội, góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân 1975. Trong chiến đấu, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ người Quảng Ninh đã anh dũng nằm lại chiến trường...

Chiến sĩ Binh đoàn Than cùng gia đình đưa hài cốt của liệt sĩ Diệp Quý Hồ từ tỉnh Kontum về nghĩa trang phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả.

Đất nước thống nhất, nhiều chiến sĩ khi phục viên còn có cơ hội chuyển công tác khác nhưng vẫn nặng lòng quay về với ngành Than và vẫn mang tinh thần của người thợ mỏ, người chiến sĩ quả cảm trong chiến trường, đóng góp cho xã hội trong thời bình cũng như thời chiến. Đó là phẩm chất cao quý của người thợ mỏ can trường luôn đứng ở tuyến đầu của Tổ quốc.

Hiện nay, hầu hết những người còn sống đã tuổi cao, sức yếu, trên cơ thể mang nhiều thương tích và các căn bệnh hiểm nghèo do năm tháng gian khổ vất vả ở chiến trường, do phơi nhiễm chất độc da cam của Mỹ... Bởi những lẽ đó, nguyện vọng tha thiết của đại đa số CCB Binh đoàn Than là có một Ban liên lạc truyền thống. Đối với những đồng đội còn sống, một trong những công tác trọng tâm của Ban Liên lạc là đền ơn đáp nghĩa, làm nhịp cầu nối để giải quyết chế độ chính sách cho đồng đội.

Đồng đội đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Xuân Việt, Anh hùng LLVTND từ Kon Tum về Hạ Long.

Ban Liên lạc cũng tham gia sưu tầm, xuất bản sách giới thiệu về đơn vị đặc biệt mang tên “Binh đoàn Than”, khảo sát, xác định địa điểm xuất quân đặt bia kỷ niệm, gặp mặt các cựu chiến binh, thương binh, thường xuyên động viên các gia đình chính sách, thăm hỏi khi ốm đau, phúng viếng khi qua đời, hỗ trợ các gia đình liệt sĩ khó khăn động viên khích lệ nhau tham gia công tác xã hội ở địa phương và tổ chức cho anh em đi thăm lại chiến trường xưa. Với những người còn sống, chiến tranh đã lùi xa, cái tên Binh đoàn Than vẫn mãi mãi là niềm tự hào về một thời trẻ trai ra đi từ Vùng mỏ anh hùng.

Chiến sĩ Binh đoàn Than thắp hương tưởng nhớ đồng đội an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Hà Tu, TP Hạ Long.

Các cựu chiến binh Binh đoàn Than đã tự đóng góp tiền để quay lại chiến trường tìm mộ và thông tin của các đồng đội đã hy sinh. Một số cựu chiến binh tích cực tìm kiếm được nhiều thông tin để đưa về Quảng Ninh như: Nguyễn Bá Sơn, Phạm Hồng Thái, Đỗ Văn Thông, Nguyễn Tiến Hòe. Người đi đầu trong công tác này là CCB Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng Ban Liên lạc Binh đoàn Than.

Ròng rã suốt 20 năm nay, ông Sơn mải miết trên những chuyến xe trở về chiến trường, lần theo bản đồ và trí nhớ để quy tập hàng chục bộ hài cốt đồng đội đưa về quê hương Vùng mỏ yên nghỉ. Những thông tin về những người con của đất Quảng Ninh hy sinh đã làm vơi đi những nỗi niềm mong mỏi, nhớ nhung của các người mẹ, người vợ, người con đau đáu tìm lại được người thân của mình trong nửa thế kỷ qua.

Ông Nguyễn Hải Hiệp, Trưởng Ban Liên lạc Binh đoàn Than, cho biết: Một số anh em tự nguyện thực hiện một số cuộc đi tìm hài cốt đồng đội, tặng quà cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở biên giới, thăm lại chiến trường xưa. Chúng tôi đã tìm được 30 hài cốt của đồng đội đưa về quê hương. Anh em trong Binh đoàn Than năm xưa nay đều đã luống tuổi nhưng vẫn gắn bó với nhau, tương trợ nhau như những ngày xông pha nơi tuyến lửa chống quân thù.

Huỳnh Đăng