An toàn cho lao động xuất cảnh

Mỗi năm có hàng nghìn lượt người lao động được Trung tâm Dịch vụ việc làm và doanh nghiệp tư vấn đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng lao động.

Mạng xã hội cũng như ngoài đời thực nhan nhản các rao vặt chào mời NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Những hấp dẫn được đưa ra là mức lương cao, công việc nhẹ nhàng khiến không ít NLĐ bị lạc lối. Năm 2022, Việt Nam có hơn 1.000 NLĐ bị quản thúc, bắt buộc làm việc tại các cơ sở bất hợp pháp ở Campuchia được giải cứu, ái Nguyên có 2 trường hợp.

Đó là những bài học nhãn tiền về giấc mơ “việc nhẹ, lương cao” ở một đất nước xa lạ. Đồng thời là kinh nghiệm “xương máu”, giúp NLĐ có nguyện vọng xuất cảnh ra nước ngoài làm việc lựa chọn đăng ký qua hệ thống cơ quan chức năng và doanh nghiệp được Nhà nước cho phép. Không tự tổ chức trốn đi, hoặc không bằng cách đi du lịch đến nước ngoài rồi bỏ trốn.

Nhằm giúp NLĐ không bị sập bẫy, rơi vào “trận đồ bát quái” của đối tượng buôn bán người ra nước ngoài, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với các cấp, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, tư vấn, phổ biến chính sách liên quan đến việc xuất cảnh hợp pháp. Qua đó giúp NLĐ nhận thức đầy đủ hơn về những điều kiện cơ bản như kỹ năng sống, làm việc ở nước ngoài; phong tục tập quán ở nước đến làm việc và cách ứng xử phù hợp trong những tình huống cụ thể; bảo đảm an toàn cho bản thân và không bị chủ sử dụng lao động giảm trừ tiền lương.

Từ những nỗ lực của các cấp, ngành chức năng, công tác đưa người Việt Nam đi làm việc có hợp đồng lao động ở nước ngoài luôn đạt chất lượng, hiệu quả. NLĐ được bảo đảm an toàn, có việc làm ngay ở nước đến và có thu nhập ổn định theo từng thị trường. Hầu hết NLĐ đã gửi tiền về cho gia đình ngay sau tháng làm việc đầu tiên.

Có thể xâu chuỗi lại một “chặng đường” đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian từ năm 2010 đến tháng 6-2024, toàn tỉnh có gần 21.000 lượt người xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tại hơn 10 quốc gia và các vùng lãnh thổ trên ế giới, với các ngành, nghề khác nhau từ lao động giản đơn đến lao động kỹ thuật cao.

Trong xuất cảnh lao động, tỉnh Thái Nguyên thường xuyên nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ Cục Quản lý lao động ngoài nước và Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), cùng sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh.

Ví như năm 2021, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng Thái Nguyên vẫn có gần 700 NLĐ được tuyển chọn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Năm 2022 dịch bệnh ổn định, các nước và vùng lãnh thổ trên thế giởi mở của trở lại, việc xuất cảnh lao động phục hồi, hơn 1.900 người Thái Nguyên nhận được việc làm ở ngoài nước.

Năm 2023, số NLĐ xuất cảnh tăng cao, gần 2.750 người. Đến năm 2024 này, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 1.284 NLĐ đi làm việc có hợp đồng lao động tại nước ngoài, trong đó: Đài Loan (Trung Quốc) 710 người, Nhật Bản 493 người, Hàn Quốc 42, Romania 13 người, còn lại là NLĐ đến làm việc ở Singapore, Thái Lan, Malayxia, Trung Quốc, Hy Lạp, Ba Lan, Hungary...

Học viên nghiên cứu, trao đổi về pháp luật của nước sẽ đến làm việc (ảnh chụp tại Công ty CP Quốc tế Sak Việt Group, TP. Thái Nguyên).

Nhằm tạo cho NLĐ có nhiều hơn cơ hội đi làm việc theo hợp đồng lao động ở nước ngoài, Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Thái Nguyên phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các tổ chức hội, đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức tư vấn, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho NLĐ thuộc hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất, dân tộc thiểu số, thân nhân của người có công với cách mạng được vốn vay; đồng thời hướng dẫn cách làm thủ tục, hỗ sơ vay vốn; hỗ trợ học nghề, học tiếng nước ngoài và một số kiến thức cơ bản trong thời gian học thực tế; hỗ trợ chi phí làm thủ tục hộ chiếu, visa, khám sức khỏe, lý lịch tư pháp trước khi xuất cảnh.

Để bảo đảm an toàn cho NLĐ, hằng năm, Sở chủ động ban hành các văn bản về việc người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn. Toàn bộ văn bản được gửi kịp thời đến các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp liên quan.

Hiện trên địa bàn của tỉnh có hơn 50 đơn vị, doanh nghiệp tham gia lĩnh vực đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động. Các doanh nghiệp được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cấp giấy giới thiệu về địa phương tuyển dụng NLĐ là đơn vị có năng lực, có trách nhiệm.

Sở cũng đã có văn bản hướng dẫn, yêu cầu doanh nghiệp khi tuyển chọn được lao động phải thực hiện tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết. Chỉ những lao động đã tham gia đầy đủ khóa học và có bài kiểm tra cuối khóa đạt yêu cầu mới được cấp chứng chỉ. Khi đó, NLĐ mới đủ điều kiện xuất cảnh ra nước ngoài làm việc.

Từ quan tâm, coi trọng an toàn cho NLĐ đi làm việc ở ngoài nước, các cấp, ngành chức năng của tỉnh và doanh nghiệp liên quan đã được đông đảo NLĐ đặt niềm tin, đăng ký tham gia xuất khẩu lao động. Nhờ đó, NLĐ tránh được tình trạng bị đối tượng xấu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, thậm chí bị bán cho tổ chức lừa đảo quốc tế có địa chỉ ở nước ngoài, bị giam cầm nếu gia đình không nộp tiền chuộc người.