Tổng thống Nga kêu gọi tháo gỡ bế tắc vấn đề hạt nhân Triều Tiên

Từ đó tháo gỡ bế tắc liên quan đến vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Người đứng đầu điện Kremlin cũng cho rằng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là một vấn đề nan giải, không thể giải quyết bằng cách gia tăng sức ép và trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng.

Lời kêu gọi nói trên được ông V.Putin đưa ra tại một phiên họp trực tuyến cùng giám đốc của các hãng thông tấn toàn cầu, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế quốc tế St.Petersburg 2021. Tại phiên họp này, khi được lãnh đạo hãng thông tấn Yonhap hỏi về cách nhìn nhận của Moscow đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Tổng thống V.Putin khẳng định: "Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên sẽ không thể giải quyết bằng cách gây sức ép với Triều Tiên và tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này. Chỉ bằng cách bảo đảm an ninh cho người dân, với sự kiên nhẫn và cách tiếp cận cẩn trọng, chúng ta mới có thể giải quyết được vấn đề".

Tổng thống Putin và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại cuộc gặp ở Vladivostok (Nga), tháng 4-2019 (Ảnh: CNN)

Đáng chú ý, Tổng thống Nga cho rằng Mỹ đã gây ra sự bế tắc trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên. Ông nói: “Ban lãnh đạo Triều Tiên đã thể hiện một thái độ xây dựng, nhưng các nước như Mỹ dường như đã từ bỏ lời cam kết mà họ đã đưa ra với Bình Nhưỡng". Bên cạnh đó, ông V.Putin kêu gọi các quốc gia liên quan nỗ lực tìm ra một giải pháp mà tất cả các bên có thể chấp nhận nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Theo Korea Herald, các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đổ vỡ vì hai bên không thể tìm được tiếng nói chung về cách phối hợp triển khai các bước phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng và tiến độ nới lỏng các biện pháp trừng phạt từ Washington. Về phần mình, Nga ủng hộ cách tiếp cận theo từng giai đoạn và “có đi có lại” nhằm đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa, chẳng hạn như dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc khi Triều Tiên tiến hành thu hẹp dần chương trình hạt nhân của nước này.

Cuối tháng 5 vừa qua, các đặc phái viên hàng đầu về hạt nhân của Hàn Quốc và Mỹ đã có cuộc điện đàm để thảo luận về cách thức hợp tác song phương nhằm hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn và thiết lập hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Trước đó, tại cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, hai bên cũng nhấn mạnh vai trò cốt lõi của ngoại giao và đối thoại trong nỗ lực phi hạt nhân hóa.

Với riêng Hàn Quốc, Bộ Thống nhất của nước này khẳng định sẽ chuẩn bị cho khả năng nối lại đối thoại với Triều Tiên bất kỳ thời điểm nào, ở bất kỳ đâu cũng như dưới bất kỳ hình thức đối thoại nào, tùy thuộc vào sự phản hồi của Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, Tổng thống Biden mới đây đã bổ nhiệm ông Sung Kim, người được đánh giá là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp và có chuyên môn về chính sách Triều Tiên, làm Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên. Theo nhận định của giới phân tích chính trị, động thái này phần nào cho thấy Washington đã sẵn sàng nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng về vấn đề phi hạt nhân hóa.

Cũng liên quan tới tình hình trên bán đảo Triều Tiên, giữa tuần này, truyền thông Triều Tiên lên tiếng chỉ trích quyết định của Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận chung mang tên "Cờ Đỏ" với Mỹ và Nhật Bản, dự kiến diễn ra tại Alaska từ ngày 10 đến 25-6 tới. Đáp lại, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby khẳng định cuộc tập trận này chỉ là một hoạt động huấn luyện thường kỳ nhằm tăng cường khả năng phòng thủ chung của 3 nước.

ANH VŨ