Tối đa 6 doanh nghiệp Việt Nam được đưa người lao động sang Australia

Cụ thể, theo thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH, ngày 1/3 vừa qua, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan và Đại sứ Andrew Goledzinowski tại Việt Nam đã ký kết Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Australia và Chính phủ Việt Nam về hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại nước này.

Theo Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ, trong năm đầu tiên thực hiện chương trình, việc tuyển dụng lao động được thực hiện thông qua một đơn vị sự nghiệp công lập và tối đa 6 doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan và Đại sứ Astralia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski ký Bản Ghi nhớ hợp tác hỗ trợ công dân Việt Nam sang Australia làm việc trong ngành nông nghiệp (Ảnh: Tống Giáp)

Phía Australia cam kết sẽ phối hợp với phía Việt Nam xây dựng tiêu chí đối với đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện để tham gia vào Chương trình PALM - viết tắt của Pacific Australia Labour Mobility (Chương trình di chuyển lao động Thái Bình Dương - Australia).

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hai nước sẽ đánh giá, lựa chọn, chấp thuận và công bố công khai các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp được tham gia Chương trình PALM để công dân biết, đăng ký tham gia.

Đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam không có tên thuộc danh sách nêu trên không được tuyển chọn người lao động cho Chương trình PALM.

Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan của phía Australia công bố công khai, rộng rãi đơn vị sự nghiệp công lập và các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia chương trình này.

Do vậy, hiện chưa có tổ chức nào được phép tuyển chọn lao động đi làm việc tại Australia theo Bản ghi nhớ đã ký.

Để chuẩn bị cho chương trình, hôm nay (8/4), Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Đồng thời, Bộ cũng có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về việc hỗ trợ công dân Việt Nam làm việc trong ngành nông nghiệp Australia.

Cụ thể, văn bản của Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ nội dung của “Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Australia và Chính phủ Việt Nam về hỗ trợ công dân Việt Nam làm việc trong ngành nông nghiệp Australia” gồm 9 mục.

Trong đó, một số nội dung chính sẽ làm rõ các thông tin về: Tuyển dụng lao động; Yêu cầu về tiêu chí, điều kiện hợp lệ; Bố trí việc làm; Hỗ trợ người lao động; Các phiên hướng dẫn cho người lao động; Các biện pháp bảo vệ người lao động.

Việc trao đổi, đàm phán và đi đến ký kết đều phù hợp với các nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định tại Luật Thỏa thuận quốc tế 2020.

Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước có trách nhiệm chủ trì triển khai các nội dung được nêu tại Kế hoạch, đảm bảo tiến độ thời gian và tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam, gồm: Xây dựng kế hoạch thiện của Bộ; Tổ chức thực hiện các công việc của phía Việt Nam và đôn đốc phía Australia thực hiện đúng nội dung đã ký kết.

Kế hoạch thực hiện sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/3/2023 và sẽ tiếp tục cho đến khi kết thúc Biên bản ghi nhớ.

Diệp Phan