Tăng lương từ ngày 1-7-2024:Đáp ứng mong đợi của nhiều đối tượng

Đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, đạt được mục tiêu đồng thời tăng cho tất cả các đối tượng hưởng lương từ ngân sách, các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

Chi trả lương hưu cho người thụ hưởng tại phường La Khê (quận Hà Đông). Ảnh: Hà Hiền

Thực hiện theo lộ trình, chắc chắn và hiệu quả

Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TƯ (ngày 21-5-2018) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong doanh nghiệp. Nghị quyết đưa ra mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn, từ năm 2018 đến năm 2020, từ năm 2021 đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030.

Theo đó, đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.

Tại Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10-11-2023 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 đã nêu rõ: Từ ngày 1-7-2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TƯ; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở. Tiếp đó, ngày 31-1-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 135-QĐ/TTg về Kế hoạch triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Thông tin tại cuộc họp báo của Bộ Nội vụ (ngày 20-6-2024), Bộ trưởng Bộ Nội vụ ạm Thị Thanh Trà cho biết: Hiện có 4/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công của Nghị quyết số 27-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã rõ, đủ điều kiện thực hiện, gồm: Hoàn thiện chế độ nâng lương; bổ sung chế độ tiền thưởng bằng 10% tổng quỹ lương cơ bản; quy định và hướng dẫn rõ 5 nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập. Còn 2 nội dung chưa thực hiện gồm: Xây dựng hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo để thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành bảo đảm cơ cấu tiền lương mới (lương cơ bản chiếm khoảng 70% và các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương).

Do đó, Bộ Chính trị đã thống nhất với phương án, đối với khu vực công, trong thời gian chưa đủ điều kiện bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương thì sẽ tăng 30% lương cơ sở, từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 1-7-2024; đồng thời trong thời gian chưa đủ điều kiện thực hiện 9 loại phụ cấp mới thì tiếp tục thực các loại phụ cấp hiện hành...

“Việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TƯ sẽ làm theo lộ trình, bước đi thận trọng, chắc chắn, hiệu quả, khả thi và đáp ứng lòng mong mỏi của tất cả mọi người”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định.

Bảo đảm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng: Điểm chung của “cải cách tiền lương” và “tăng lương” là lương của người lao động được điều chỉnh theo hướng tăng lên, còn điểm khác nhau cơ bản là cách tính lương. Nếu như cải cách được thì sẽ có được cách tính tiền lương khoa học, hiện đại, công bằng và cũng tiệm cận với cách tính lương của nhiều quốc gia tiên tiến trên ế giới. Tuy nhiên, để thay đổi được cách tính tiền lương với sự thay đổi thực sự triệt để thì phải có nhiều điều kiện đi kèm, như: Nguồn lực, giải pháp để nâng cao năng suất lao động; xây dựng được vị trí việc làm, mô tả từng vị trí việc làm đối với tất cả các ngành nghề hưởng lương từ ngân sách...

“Tôi nghĩ rằng ở thời điểm này, việc tăng lương 30% là giải pháp tốt nhất đáp ứng được nhu cầu trước mắt. Đó là người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước rất mong chờ mức lương về cơ bản sẽ đáp ứng được yêu cầu cuộc sống của họ”, bà Nga nêu quan điểm.

Liên quan đến vấn đề tăng lương, hiện Chính phủ đã đề xuất từ ngày 1-7-2024, sẽ điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội. Đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay (từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 23 lần điều chỉnh lương hưu). Đối với người đang được hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 0,3 triệu đồng/tháng; mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng.

Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện có khoảng 3,3 triệu người hưởng lương hưu (gồm tất cả những người hưởng lương hưu qua các thời kỳ, trong khu vực nhà nước, khu vực doanh nghiệp, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện...), với mức đề xuất tăng 15% lần này đã được tính toán, cân nhắc phù hợp, bảo đảm cân đối trong dài hạn.

Bà Nguyễn Thị Thêm (phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Nếu đề xuất tăng lương hưu từ ngày 1-7-2024 được thông qua thì tôi rất phấn khởi, bởi khi các con được tăng lương và bản thân tôi cũng được tăng lương hưu thì sẽ bảo đảm hơn nguồn thu nhập, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc tăng lương sẽ tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các đối tượng hưởng chế độ, chính sách trợ cấp, phụ cấp.