Tâm sự của các nhà báo chốn 'công đường'

Nhà báo Nguyễn Hồng Nguyên, PV Báo Bảo vệ pháp luật

Nhà báo Nguyễn Hồng Nguyên, PV Báo Bảo vệ áp luật: Nghề báo tuy vất vả và có phần nghiệt ngã, nhưng nó đem lại cho tôi nhiều niềm vui, hiểu biết xã hội và những trải nghiệm trong cuộc sống

Cứ đến dịp 21/6 hàng năm, những người làm báo lại nhận được lời chúc mừng từ người thân, bạn bè, độc giả và những người yêu quý nghề báo... Tình cảm yêu mến ấy là nguồn cổ vũ tinh thần to lớn và cũng là động lực để những người làm báo nỗ lực hơn nữa trong công việc, song cũng là lời nhắc nhở để mỗi người làm báo, đặc biệt là đối với nhà báo, phóng viên điều tra phải luôn có lập trường kiên định, bản lĩnh vững vàng, nhìn rõ những góc khuất của nghề để không ngừng rèn luyện, tu dưỡng bản thân, đấu tranh với cái xấu, cái ác, biểu hiện tiêu cực trong xã hội, xứng đáng tình cảm yêu mến của mọi người.

Mấy năm gần đây, do yêu cầu công việc của tòa soạn, tôi được phân công theo dõi mảng pháp đình, chủ yếu tác nghiệp, đưa tin công tác điều tra, truy tố, xét xử các “đại án” kinh tế, những vụ án lớn có tình tiết phức tạp. Tuy là công việc mới, nhưng nhờ sự giúp đỡ của một số đồng nghiệp đi trước như Nhà báo Mạnh Hùng, phóng viên Báo Công lý, người có nhiều năm theo dõi hoạt động của hệ thống Tòa án cũng như đưa tin xét xử các vụ “đại án” và một số đồng nghiệp khác nên tôi đã “nhập cuộc” khá nhanh, đáp ứng tốt nhiệm vụ công việc được giao.

Trong thời gian không dài, tôi đã tác nghiệp tại nhiều phiên tòa xét xử các “đại án”, như: Vụ án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, “Chuyến bay giải cứu”; vụ án Việt Á; vụ án Tân Hoàng Minh; loạt cựu lãnh đạo tỉnh Lào Cai trong vụ khai thác trái phép hơn 1,5 triệu tấn quặng Apatit, gây thất thoát hơn 312 tỷ đồng… Quá trình tác nghiệp tại các phiên tòa này, tôi đã học hỏi và hiểu được rất nhiều điều mà trong quá trình làm báo tôi chưa được biết đến. Các bài viết của tôi ở tòa đều góp phần vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời cũng là góp phần vào công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với người dân và xã hội.

Đáng chú ý, trong các “đại án” kinh tế, các bị cáo đều là những người có trình độ học vấn cao, có hiểu biết rộng, nhiều người đã từng được đào tạo, đi du học ở người ngoài, trải qua quá trình công tác, giữ chức vụ cao, chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước hoặc trong các doanh nghiệp lớn; nhiều người có tầm ảnh hưởng lớn trong thời gian họ đương chức, nên các hành vi phạm tội của họ luôn được giấu kín; trong lời khai thường có những lập luận nhằm trốn tội, hoặc giảm nhẹ hành vi phạm tội trước tòa, nhất là đối với những bị cáo có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, họ thường biết cách xóa dấu vết ngay sau khi phạm tội hoặc phạm tội, nhưng không để lại vết tích…

Tôi nhớ, tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ “Chuyến bay giải cứu”, trong số 54 bị cáo có bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an) bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong phần xét hỏi và tranh luận, bị cáo Hưng với trình độ năng lực của một điều tra viên đầy kinh nghiệm, ngôn từ giảo hoạt đưa ra suy luận logic nhằm trốn tội khiến nhiều người theo dõi phiên tòa ngỡ ngàng.

Tuy nhiên, Viện kiểm sát đã đưa ra nhiều lập luận cho rằng, đủ căn cứ kết luận các bị cáo thực hiện kế hoạch chạy án 2,6 triệu USD, tương đương hơn 61 tỉ. Riêng Hoàng Văn Hưng đủ căn cứ xác định đã thực hiện hành lừa đảo chiếm đoạt 800.000 USD. Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt bị cáo Hưng án tù chung thân theo đúng tội danh bị truy tố.

Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Hoàng Văn Hưng cùng 20 bị cáo khác có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Hưng đã khai nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố, đồng thời nộp lại 18,8 tỉ đồng để khắc phục hậu quả. Theo đó, HĐXX cấp phúc thẩm đã tuyên phạt bị cáo Hưng 20 năm tù.

Quá trình tác nghiệp tại các phiên tòa, bên cạnh những đồng nghiệp đi trước, tôi còn học hỏi được kỹ năng quan sát, chú ý nghe kỹ lời nói của những người tham gia tố tụng, chắt lọc thông tin để truyền tải tới công chúng, bạn đọc được chính xác, khách quan nhất.

Sau mỗi buổi làm việc, nhất là sau mỗi buổi sáng, khoảng thời gian nghỉ trưa khá eo hẹp, việc nghỉ và ăn trưa của các phóng viên pháp đình thường rất nhanh gọn. Phần lớn nhóm phóng viên đều ra quán cơm bụi bên ngoài tòa để vừa ăn vừa tranh thủ hoàn tất tin bài của buổi sáng và chuẩn bị bước vào giờ làm việc buổi chiều. Nhiều ngày tác nghiệp tại tòa, tôi được hòa mình vào “nhịp sống” của các phóng viên pháp đình, sự chuyên nghiệp của những người làm báo, tất cả đều nhằm truyền tải và cung cấp cho độc giả những thông tin chính xác, khách quan và sốt dẻo nhất.

Những câu chuyện mà tôi chia sẻ trên đây chỉ là một trong số rất nhiều công việc mà tôi đã trải qua trong cuộc đời làm nghề. Với tôi, nghề báo tuy vất vả và có phần nghiệt ngã, nhưng nó đem lại cho tôi nhiều niềm vui, hiểu biết xã hội và những trải nghiệm trong cuộc sống. Biết con đường phía trước còn rất nhiều khó khăn, nhưng tôi tin sự đam mê với nghề sẽ giúp tôi vượt qua.

Nhà Báo Hoài Thanh, PV Báo Dân trí: Những phiên tòa dài ngày tiêu tốn nhiều sức lực, mệt nhưng tôi luôn cảm thấy “đã”

Nhà báo Hoài Thanh (người đeo kính) đứng đối diện ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên

Tôi tốt nghiệp trường luật, nhưng trước đây, bản thân vẫn nghĩ mình không phù hợp làm công việc liên quan đến luật vốn được hình dung cứng nhắc, vì tôi sống cảm xúc. Nhưng rồi nghề đã chọn người.

Tôi từ mảng giải trí chuyển sang viết pháp luật từ năm 2017, khi đó tôi chỉ là cộng tác viên của báo. Tính đến nay tôi có khoảng 7 năm tác nghiệp ở Tòa án. 7 năm với hàng nghìn phiên tòa diễn ra, từ nhỏ tới lớn, từ hình sự tới dân sự, kinh tế, hôn nhân gia đình…, mỗi phiên tòa là một cảm xúc khác nhau.

Phóng viên mỗi lĩnh vực đều có những đặc thù riêng, chọn làm pháp luật là tiếp xúc với vụ án, các phiên tòa - nơi hội tụ những hỷ nộ ái ố, tranh luận, mâu thuẫn, trả giá, nỗi buồn, nước mắt. Nhiều lần tôi cũng từng rơi nước mắt trước những thân phận chốn pháp đình. Là một người mẹ khóc nấc nhìn những vết sẹo chằng chịt do axit trên gương mặt vốn xinh đẹp của cô con gái, là người cha nghèo van xin phía bị hại tha thứ cho lỗi của con ông, hay những bị cáo khi vào giây phút cuối cùng nói những lời hối hận, xin lỗi muộn màng…

Tác nghiệp ở Tòa án không giống với nhiều nơi khác, nhiều quy định nghiêm ngặt, nhất là nếu đó là những đại án. Từ việc đăng ký trước, nhận thẻ đeo, kiểm tra thiết bị mang vào tòa, vị trí tác nghiệp được bố trí ở đâu…, mọi khâu được kiểm soát gắt gao. Những phiên tòa dài ngày tiêu tốn nhiều sức lực, mệt nhưng tôi luôn cảm thấy “đã”. Bởi, đời làm nghề không phải lúc nào cũng được tham dự những phiên tòa như vậy.

Quy định tác nghiệp ở mỗi phiên tòa không giống nhau, tùy theo mức độ, tính chất của vụ án. Những năm theo tòa, tôi đã từng tham gia đưa tin ở những phiên tòa bị phá sóng, hạn chế ghi hình, không được đem laptop, không được di chuyển ra khỏi phạm vi xét xử cho tới khi kết thúc phiên tòa...

Những năm làm nghề, bên cạnh những câu chuyện thân phận của những bị cáo, bị hại hay gia đình họ để lại ấn tượng, tôi còn có kỷ niệm thú vị với một nhân vật mà tôi nghĩ suốt chặng đường làm nghề sẽ không quên. Đó chính là ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch ập đoàn Trung Nguyên. Bằng một cách nào đó mà ông Vũ ấn tượng với tôi giữa rất nhiều phóng viên tác nghiệp, và rồi sau đó cứ mỗi lần đến tòa lại tặng cho tôi một quyển sách và dặn “hãy đọc đi”. Đến bây giờ tôi có sự kết nối gần hơn với ông, và ông vẫn giữ thói quen tặng sách sau cuộc gặp.

Công việc này không chỉ củng cố cho tôi kiến thức về pháp luật, hiểu thêm về thực tiễn xử lý vụ án so với lý thuyết, rèn luyện kỷ năng kinh nghiệm tác nghiệp mà còn đem đến những câu chuyện và nhân vật nhiều cảm xúc. Tất cả làm tôi luôn thấy yêu công việc mình làm và luôn tràn đầy năng lượng với nó.

Nhà báo Tuyến Phan, PV Báo Thanh Niên: Thông điệp pháp luật sau mỗi bản án.

Nhà báo Tuyến Phan, PV Báo Thanh Niên

Nhiệm vụ của phóng viên pháp đình không đơn thuần là viết một bản tin rằng bị cáo bị tuyên bao nhiêu năm tù, mà phải truyền tải được thông điệp pháp luật đằng sau mỗi bản án.

Trong các vụ án kinh tế lớn thời gian qua, như Công ty AIC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh…, cùng với việc vạch rõ thủ đoạn phạm tội của các bị cáo, cơ quan tố tụng luôn chỉ ra nguyên nhân và giải pháp để ngăn ngừa hành vi tương tự xảy ra.

Đó có thể là những kẽ hở khi pháp luật chưa kịp, hoặc chưa bao quát hết phát sinh từ thực tiễn. Cũng có thể là sự tha hóa từ đội ngũ cán bộ thực thi công vụ, để rồi tiếp tay cho các vi phạm, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.

Chính vì vậy, bên cạnh việc tường thuật thủ đoạn phạm tội của các bị cáo, phóng viên pháp đình cần thông tin kịp thời, đầy đủ những nhận định, khuyến cáo, và cả kiến nghị từ cơ quan tố tụng. Việc này không những góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật đối với công chúng, mà còn thúc đẩy quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với cơ quan quản lý.

Thông điệp pháp luật không chỉ có ở đại án, mà nằm ngay trong những vụ án thông thường, thậm chí chỉ là tranh chấp vài mét vuông đất.

Điển hình như vụ việc 11 anh chị em ruột ở Phú Thọ đưa nhau ra tòa để phân chia thừa kế do cha mẹ đã qua đời để lại. Quá trình xét xử, chủ tọa ngoài giải thích các quy định pháp luật còn phân tích dưới góc độ đạo đức, xã hội, để cả nguyên đơn và bị đơn nhìn nhận đa chiều hơn. Như lời vị chủ tọa tại phiên tòa phúc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội, ông rất đau lòng khi thấy các anh em trong gia đình dù tóc bạc trắng vẫn dắt nhau ra tòa, “như thế đã là thua cả rồi”.

Rõ ràng, thông điệp pháp luật trong vụ án trên không chỉ là sự việc tranh chấp di sản thừa kế. Mà cao hơn vậy, chủ tọa muốn người dân trong vụ án này, rộng hơn là toàn xã hội, nên đề cao tình cảm gia đình và giá trị đạo đức truyền thống hơn là việc hơn thua, phân chia vật chất.

Mạnh Hùng