Quỹ hỗ trợ nông dân tiếp sức để nông dân Lào Cai vượt khó

Mô hình “Tổ Hội trồng và chăm sóc cây mận tam hoa” tại thị trấn Bắc Hà ngày càng phát huy hiệu quả

Tạo nhiều mô hình hiệu quả

Quỹ HTND ra đời nhằm hỗ trợ vốn ưu đãi cho nông dân, trước hết là nông dân nghèo phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Việc điều hành, sử dụng nguồn vốn quỹ thời gian đầu gắn liền với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xóa đói, giảm nghèo.

Một trong những điểm nhấn là Quỹ HTND đổi mới căn bản phương thức hỗ trợ cho ND vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh theo mô hình dự án (thay cho vay theo hộ hay nhóm hộ nhỏ lẻ) để xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết, hợp tác, nhóm hộ, trang trại, doanh nghiệp nhỏ. Trong những năm qua, nguồn vốn từ Quỹ HTND đã giúp nhiều gia đình hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh chuyển đổi sản xuất với những mô hình hay trong đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt không ngừng được các địa phương quan tâm nhân rộng. Cụ thể là dự án nuôi gà thả đồi tại xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng), cá chép lai thâm canh, cá rô đơn tính tại huyện Bảo Thắng, Bát Xát và thành phố Lào Cai; vịt bầu tại xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên), dự án chăn nuôi trâu, bò, ngựa sinh sản tại các huyện Bảo Yên, Văn Bàn, Bảo Thắng, Bát Xát…

Về thăm dự án “Nuôi vịt bầu sinh sản và thương phẩm” tại xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên; ông Hoàng Tuấn Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bảo Yên cho biết: năm 2018, Hội Nông dân xã Nghĩa Đô đã xây dựng dự án “Nuôi vịt bầu sinh sản và thương phẩm” đề nghị Hội Nông dân tỉnh Lào Cai phê duyệt cho các hộ nông dân tại bản Thâm Mạ, bản Nậm Cằm vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh với số tiền 320 triệu đồng cho 8 hộ vay, trung bình mỗi hộ được vay 40 triệu đồng, thời gian vay 02 năm. Sau 2 năm thực hiện dự án, đến nay, toàn xã Nghĩa Đô có trên 40 hộ chăn nuôi vịt, ước tính khoảng 4.000 con, tăng gấp hai lần so với trước khi chưa thực hiện dự án. Một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, sau khi thấy được hiệu quả của dự án đang dự kiến mở rộng quy mô chăn nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm để xây dựng thành thương hiệu “Vịt cổ lam Nghĩa Đô” và là sản phẩm OCOP theo định hướng phát triển kinh tế của xã và huyện đã đề ra.

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản có tổ Hội “Nuôi cá chép lai thâm canh” tại thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng được thành lập từ 2016. Sau 2 năm, 100% các hộ nông dân trong tổ được tiếp cận với khoa học kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Năm 2018, bình quân mỗi hộ thành viên thu hoạch trên một tấn cá/năm, thu nhập đạt gần 100 triệu đồng/hộ, giúp đỡ giảm được 20 hộ nghèo trong thôn, nhiều hộ nghèo trở thành khá giàu. Đến nay đã thu hút được thêm 15 hộ vào tổ, đưa tổng số thành viên của tổ Hội lên 30 người.

Để hỗ trợ các hộ dân ở thôn Múc, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng tiếp tục nâng cao giá trị kinh tế của cây bưởi địa phương, Quỹ HTND tỉnh đã giải ngân 1 tỷ đồng cho 11 hộ dân tham gia dự án “Trồng mới và chăm sóc cây bưởi Múc”; đây thực sự là nguồnlực quan trọng để các hộ dân trồng bưởi ở thôn Múc tiếp tục duy trì và nâng cao thương hiệu bưởi Múc, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho bà con trong thôn. Bên cạnh đó, mô hình “tổ Hội trồng và chăm sóc cây mận tam hoa” tại thị trấn Bắc Hà đã được Hội Nông dân huyện Bắc Hà giải ngân 1,1 tỷ đồng từ nguồn Quỹ HTND tỉnh. Thực tế cho thấy, nguồn thu từ vườn mận của các hộ trong tổ Hôi tăng gấp 1,5 lần so với những năm trước khi thực hiện mô hình phát triển kinh tế tập thể. Doanh thu 3 năm đạt 2,5 tỷ, lợi nhuận đạt 830 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, Quỹ HTND tỉnh cũng quan tâm đầu tư vốn xây dựng các dự án nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng của từng địa phương như: Mô hình trồng cây cam Lương Sơn tại huyện Bảo Yên; bưởi Múc, cây lê, đào Pháp, hoa Ly, Địa lan, cây dược liệu Atiso tại thị trấn Sa Pa (huyện Sa Pa); na dai tại huyện Bảo Thắng; mận Tam hoa tại thị trấn Bắc Hà… đã thu hút và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở nông thôn với mức thu nhập ổn định bình quân từ 50-60 triệu đồng/năm. Nhiều mô hình đạt mức thu nhập lên đến 80-100 triệu đồng/năm.

Đánh giá kết quả tình hình triển khai và quản lý các mô hình được hỗ trợ vốn từ QHTND trên địa bàn, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh cho biết, các đối tượng được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ này là các tổ hợp tác đang hoạt động tốt, có tính khả thi trong sản xuất hoặc chăn nuôi. Ngoài hỗ trợ về vốn, nông dân được hỗ trợ để nắm bắt những thông tin, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình hiệu quả phục vụ sản xuất, kinh doanh. Các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích với nhiều mô hình hay, gương điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, giúp nhiều hộ nông dân nghèo vượt khó, vươn lên làm giàu.

Tiếp sức cho nông dân

Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016-2020” đã được Tỉnh ủy phê duyệt; theo đó, bên cạnh việc thành lập Quỹ HTND cấp tỉnh, hiện nay 9/9 quỹ HTND cấp huyện, thành phố, thị xã đều được thành lập nhằm thúc đẩy công tác Hội; phong trào nông dân, đặc biệt là phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Đây cũng chính là điểm khác biệt quan trọng của hoạt động Quỹ HTND với các tổ chức tài chính khác chỉ cho vay tín dụng đơn thuần.

Theo Hội nông dân tỉnh, giai đoạn 2011-2020, hoạt động quỹ HTND trong toàn hệ thống Hội phát triển ngày càng mạnh mẽ. Đến nay, cả 9/9 đơn vị cấp huyện có nguồn vốn Quỹ HTND; trong đó có 6/9 Quỹ cấp huyện có nguồn vốn từ 500 triệu đồng trở lên, điển hình là huyện Bắc Hà đạt trên 990 triệu đồng, Bảo Thắng trên 800 triệu đồng…

Mận tam hoa Bắc Hà.

Giai đoạn 2011-2020, doanh số cho vay qua nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh đạt trên 59 tỷ đồng cho gần 1.800 lượt hộ vay thực hiện 104 dự án (các dự án được thực hiện quay vòng theo chu kỳ sản xuất kinh doanh, thời gian trung bình từ 2-3 năm). Đăc biệt thông qua nguồn vốn QHTND, các huyện và thành phố đã giải quyết được phần nào khó khăn về vốn mua phân bón, thuốc trừ sâu, vốn mua con giống cho các hộ nông dân khó khăn không có điều kiên vay vốn. Qua đó góp phần phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên, nông dân. Hội Nông dân các cấp đã xây dựng được nhiều mô hình liên kết sản xuất hàng hóa có chất lượng cao, giải quyết việc làm cho hơn 2.500 lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế của địa phương.

Hơn nữa, thông qua hoạt động Quỹ, nhiều loại hình tổ, nhóm nông dân liên kết, hợp tác giúp nhau gắn với công tác xã hội cũng đã được hình thành, phát triển, tác động tích cực khuyến khích người nông dân sản xuất hàng hóa theo đúng quy trình kỹ thuật, thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn…

Phát huy hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ HTND, bước sang giai đoạn 2021-2025, Hội Nông dân tỉnh xác định mục tiêu xây dựng khoảng 100 tổ, nhóm liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã theo hướng 5 cùng “Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi” để nâng cao hiệu quả các loại mô hình kinh tế tập thể; thu hút, tập hợp nông dân vào hội; tạo việc làm ổn định cho lao động nông thông qua các dự án, tăng thu nhập bình quân 25-30 triệu đồng/năm/hộ vay vốn.

Bởi vậy, trong thời gian tới, Hội Nông dân các cấp trong toàn tỉnh tiếp tục tuyên truyền cho cán bộ, hội viên hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng và phát triển Quỹ HTND. Tuyên truyền nhân rộng cách làm hay, hiệu quả sử dụng nguồn vốn, góp phần đẩy mạnh hoạt động công tác Hội và các phong trào nông dân, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Đồng thời, để nguồn vốn Quỹ HTND phát huy hiệu quả, giải ngân đúng đối tượng. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện và cấp cơ sở tiếp tục chủ động lựa chọn những mô hình sản xuất có tính khả thi để triển khai thực hiện; vận động hội viên đóng góp xây dựng nguồn quỹ ở cơ sở cũng như tranh thủ các nguồn vốn ưu đãi khác như vốn để các mô hình, dự án giúp nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế. Đồng thời, tập hướng dẫn nông dân vay vốn sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư đảm bảo sinh lợi; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quản lý chặt chẽ việc sử dụng hiệu quả Quỹ HTND./.

Bài, ảnh: Hồng Minh