Nhu cầu nhân lực cho ngành giao thông thông minh đang rất lớn

PGS.TS Nguyễn Xuân Phương, Hiệu Trưởng Trường đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu với doanh nghiệp về tiềm năng nhân lực từ nguồn sinh viên.

Tại ngày hội, 32 doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông, logicstic, xây dựng công nghiệp đã cùng tham gia tuyển dụng, tìm các ứng viên từ nguồn sinh viên của trường.

Phát biểu tại ngày hội, PGS.TS Nguyễn Xuân Phương, Hiệu trưởng Trường đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, UTH là trường đào tạo chuyên ngành cho lĩnh vực giao thông vận tải. Việc đồng hành của doanh nghiệp trong các sự kiện như lần này sẽ góp phần tạo ra các cơ hội việc làm, học tập và thực hành để giúp các em có cơ hội tiếp cận với nghề nghiệp trong tương lai, công việc bán thời gian trong quá trình học tập.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Phương, nhu cầu tuyển dụng của ngành giao thông vận tải hiện đang rất lớn nhằm phục vụ cho các dự án, công trình khắp cả nước. Đối với các sinh viên, đây cũng là cơ hội để các em có việc làm để trải nghiệm và có thêm kinh phí để trang trải quá trình học tập.

Bên cạnh những ngành đào tạo truyền thống, Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tiến hành đào tạo nhiều ngành nghề mới để đáp ứng nhu cầu trong tương lai như đường sắt đô thị, đường sắt cao tốc với 3 nhóm ngành nghề chính.

Theo xu thế của đời sống, các ngành nghề về giao thông thông minh đang được triển khai rộng khắp. Nhằm đáp ứng cho nhu cầu đó, UTH đã nghiên cứu và mở ra một số ngành mới như ô-tô thông minh, Smart logistics,... giải quyết bài toán giao thông không chỉ cho Thành phố Hồ Chí Minh mà còn là cả nước, PGS. TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh thông tin thêm.

Các diễn giả trao đổi tại tọa đàm "Cơ hội việc làm trong lĩnh vực giao thông thông minh-hiện đại".

Phát biểu tại tọa đàm “Cơ hội việc làm trong lĩnh vực giao thông thông minh-hiện đại”, ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, Trung tâm đang giám sát, điều khiển giao thông thành phố thông qua hệ thống camera giám sát, đo đếm dữ liệu. Đồng thời, cung cấp thông tin cho người tham gia giao thông, đơn vị xử lý và mô phỏng nhu cầu đi lại ở thành phố để đáp ứng việc xây dựng cơ bản trong tương lai.

Chung quanh hoạt động này, nguồn nhân lực để đáp ứng cho nhu cầu cũng rất đa dạng và cần đến số lượng lớn trong thời gian tới. Thời gian qua, đơn vị cũng đã chào đón và hợp tác với nhiều đơn vị để hỗ trợ sinh viên thực tập các ngành liên quan đến giao thông thông minh.

Nhấn mạnh đến yếu tố cần và đủ đối với sinh viên trong lĩnh vực này, ông Phan Hữu Duy Quốc, Thành viên Hội đồng Quản trị Tổng công ty xây dựng số 1 (CC1) cho biết, bên cạnh các kiến thức chuyên ngành, trong thời gian theo học, các sinh viên cần trang bị cho bản thân nhiều kỹ năng mềm, ngoại ngữ để khi ra trường đã có thể “thực chiến” ngay tại các doanh nghiệp, công ty.

Việc “chậm chân” trong dòng chảy đó sẽ khiến các bạn đánh mất cơ hội của mình, nhất là khi các bạn đang nắm trong tay nhiều kiến thức, sự nhạy bén, sức trẻ và sự sáng tạo.