Lượng phát hành trái phiếu bền vững tăng kỷ lục

Theo dữ liệu của CBI, tổng trị giá phát hành trái phiếu bền vững trên toàn cầu đạt mức cao kỷ lục 273 tỉ đô la Mỹ trong quí 1 năm nay, trong đó, trái phiếu xanh chiếm 195,9 tỉ đô la. Ảnh: Money Control

Vào hôm nay (19-6), tổ chức phi lợi nhuận Sáng kiến Trái phiếu khí hậu (CBI), công bố báo cáo cho biết, tổng trị giá phát hành trái phiếu bền vững, gồm trái phiếu xanh, liên kết bền vững và ESG (môi trường, xã hội và quản trị), trên toàn cầu đạt 273 tỉ đô la trong quí 1-2024.

Riêng lượng phát hành trái phiếu xanh, được các chính phủ và doanh nghiệp sử dụng để đầu tư vào những dự án bảo vệ môi trường, tăng 43% so với quí cuối năm ngoái, lên mức 195,9 tỉ đô la. Dự đoán, lượng phát hành trái phiếu xanh trên toàn cầu sẽ đạt tổng cộng 1.000 tỉ đô la trong năm nay.

Giống như các tài sản thu nhập cố định thông truyền thống, lợi suất hấp dẫn đã thúc đẩy nhu cầu trái phiếu bền vững. Theo các nhà quản lý quỹ, nhu cầu cũng được hỗ trợ nhờ sự xói mòn của “greenium”, mức lợi suất thấp hơn so với trái phiếu thông thường mà các nhà phát hành trái phiếu xanh có thể được hưởng.

Điều này có nghĩa là, trong nhiều trường hợp, nhà đầu tư có thể bỏ rót tiền vào trái phiếu bền vững mà không phải hy sinh nhiều, nếu có, về mặt lợi suất.

“Các nhà đầu tư muốn điều này vì được dán nhãn xanh miễn phí khi mua trái phiếu xanh ở cùng mức chi phí với trái phiếu truyền thống”, Alan Siow, đồng giám đốc nợ doanh nghiệp của thị trường mới nổi tại Công ty quản lý tài sản Ninety One nói.

Theo CBI, sau khi trải qua tình trạng trì trệ trong năm 2023, Mỹ là nguồn cung cấp trái phiếu xanh lớn nhất trong quí đầu tiên năm nay, với tổng giá trị phát hành là 27,6 tỉ đô la. Hồi tháng 3, Constellation Energy, có trụ sở tại thành phố Baltimore, bang Maryland trở thành công ty đầu tiên của Mỹ phát hành trái phiếu xanh có thể được sử dụng để tài trợ cho năng lượng hạt nhân. Constellation có kế hoạch sử dụng số tiền thu được từ trái phiếu xanh trị giá 900 triệu đô la Mỹ, kỳ hạn 30 năm, cho các khoản đầu tư giúp duy trì và mở rộng các lò phản ứng hạt nhân.

Các thị trường mới nổi cũng tăng tốc phát hành thêm nợ xanh. Hồi tháng 1, Bờ Biển Ngà đã phát hành lô trái phiếu bền vững trị giá 1,1 tỉ đô la, đáo hạn vào năm 2033.

Làn sóng đổ xô vào nợ bền vững trái ngược với xu hướng rút vốn của nhà đầu tư khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu tập trung vào các chỉ số về ESG. Hiệu suất kém, các vụ bê bối “tẩy rửa xanh” và phản ứng chính trị dữ dội ở Mỹ khiến nhiều nhà đầu tư thận trọng với cổ phiếu của các công ty được gắn nhãn ESG. Môi trường lãi suất cao cũng thúc đẩy nhà đầu tư rút tiền khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu ESG vì lo ngại các doanh nghiệp xanh non trẻ thiếu dòng tiền để duy trì mức định giá cao.

Đối với các tổ chức phát hành, trái phiếu xanh vẫn hấp dẫn, ngay cả khi mức chiết khấu lợi suất so với trái phiếu thông thường thấp hơn so với trước đây.

Viktor Szabo, giám đốc đầu tư của Abrdn, cho biết khi cung cấp lợi suất cao hơn trước đây, các tổ chức phát hành xanh có thể thu hút một nhóm người cho vay khác là những nhà đầu tư gắn kết hơn.

Tuy nhiên, theo Caroline Harrison, tác giả báo cáo của CBI, “greenium” không hề biến mất. Trong quí 1, khoảng 30% trái phiếu xanh được định giá ở mức lợi suất thấp hơn so với mức lợi suất của trái phiếu thông thường.

Một số nhà quản lý quỹ không đánh giá cao trái phiếu xanh. Stephen Snowden, nhà quản lý thu nhập cố định của Công ty quản lý tài sản Artemis (Anh), cho rằng để đánh giá tính bền vững của doanh nghiệp thì cần phải xem xét các mục tiêu chống biến đổi khí hậu của doanh nghiệp đó thay vì trái phiếu xanh hay không xanh.

Một công cụ nhằm khắc phục vấn đề đó là trái phiếu liên kết bền vững (SLB), thúc đẩy các công ty hành động vì các mục tiêu khí hậu bằng cách trừng phạt doanh nghiệp với mức lãi suất cao hơn nếu không đạt được các mục tiêu đã thỏa thuận trước với nhà đầu tư.

Tuy nhiên, nhiều công ty phát hành SLP đối mặt chỉ trích, trong đó có việc không đặt ra mức tăng đủ lớn cho lãi suất coupon khi không đạt được các chỉ số về hiệu suất xanh. Theo CBI, lượng phát hành SLB giảm trong quí 1-2024.

David Oelker, người đứng đầu bộ phận đầu tư trái phiếu ESG khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của , cho biết trái phiếu xã hội (đầu tư các dự án tạo ra tác động tích cực cho xã hội) cũng gặp khó khăn do sự giám sát ngày càng tăng và các gói chi tiêu xã hội của các chính phủ liên quan đến Covid-19 giảm dần.

Tuy nhiên, ông dự đoán, thị trường trái phiếu xanh sẽ tiếp tục phát triển vì các công ty trong các lĩnh vực phát thải cao như xi măng ngày càng muốn tận dụng công cụ này để tài trợ cho các dự án khử carbon.

Theo Financial Times

Chánh Tài