Doanh nghiệp kiến nghị nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh

Bức tranh doanh nghiệp ghi nhận sự chuyển biến tích cực

Thông tin tại buổi họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2024 được Tổng cục Thống kê tổ chức vào sáng nay (29/6), Tổng cục Thống kê cho biết: Trong tháng 6/2024, cả nước có 15,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký là 143 nghìn tỷ đồng, số lao động đăng ký là 85,6 nghìn lao động, tăng 19,1% về số doanh nghiệp; tăng 53,4% về số vốn đăng ký và tăng 17,9% về số lao động so với thời điểm tháng 5/2024.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, cả nước có gần 80,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 744,2 nghìn tỷ đồng

Bên cạnh đó, trong tháng 6/2024, cả nước còn ghi nhận hơn 7,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 11,6% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng thời điểm năm 2023.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, cả nước có gần 80,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 744,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 512 nghìn lao động, tăng 6,1% về số doanh nghiệp thành lập mới; tăng 5,2% về vốn đăng ký và tăng 0,4% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Nếu tính cả 792,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của gần 23,1 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2024 là 1.537,1 nghìn tỷ đồng, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, cả nước có hơn 39,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2024 lên gần 119,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023.

“Bình quân một tháng có 19,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động” – báo cáo Tổng cục Thống kê nêu.

Doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành và địa phương hỗ trợ về lãi suất, thủ tục vay vốn, thủ tục hành chính...

Doanh nghiệp vẫn cần được hỗ trợ

Mặc dù có những chuyển biến tích cực, nhưng theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cũng trong tháng 6/2024, có 5.418 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2023; 5.404 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 18,8% so với tháng trước và giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái; có 2.228 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 44,9% so với tháng trước và tăng 50,3% so với cùng kỳ 2023.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 71,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước; gần 28,8 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 7,3%; 10,2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,4%. Bình quân một tháng có gần 18,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Để có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao Tổng cục Thống kê khảo sát nhanh hoạt động doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2024 để có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Trên tinh thần đó, Tổng cục Thống kê tiến hành khảo sát trên 30.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Kết quả đánh giá về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý II/2024 so với quý I/2024, có 73,5% doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2024 tốt hơn và giữ ổn định so với quý I/2024; 26,5% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.

Về khó khăn của doanh nghiệp, kết quả khảo sát quý II/2024 cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp đều gặp khó khăn ở cả đầu vào và đầu ra, đặc biệt là thị trường đầu ra, thể hiện ở “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao”. Đây là hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với tỷ lệ lựa chọn lần lượt là 53,8% và 43,6%. Riêng đối với doanh nghiệp xây dựng, có 46,9% doanh nghiệp gặp khó khăn do “không có hợp đồng xây dựng mới”.

Về các yếu tố đầu vào cho sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cho rằng: Giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí vận tải kho bãi, chi phí các dịch vụ tăng cao vẫn là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp, với 27,4% doanh nghiệp lựa chọn.

Vốn cho sản xuất kinh doanh là khó khăn được 21,2% doanh nghiệp lựa chọn; 19,7% doanh nghiệp cho biết lãi suất vay vốn tuy đã giảm hơn trước nhưng vẫn còn cao. Về nguyên, nhiên, vật liệu, 18,1% doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn do thiếu nguyên, nhiên, vật liệu.

Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2024, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương hỗ trợ cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh như về lãi suất; nguồn nguyên, vật liệu đầu vào; chính sách thuế, phí, lệ phí; điều kiện và thủ tục vay vốn; thủ tục hành chính và thị trường đầu ra.

Trong đó, để giảm bớt áp lực về chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh, mong muốn lớn nhất của các doanh nghiệp là giảm lãi suất cho vay với tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị là 47,0%.

Về nguồn nguyên, vật liệu đầu vào cho sản xuất: 30,5% doanh nghiệp kiến nghị cần ổn định nguồn cung nguyên, vật liệu; 35,4% doanh nghiệp kiến nghị nhà nước cần có các chính sách bình ổn giá nguyên, nhiên, vật liệu, giá dịch vụ đầu vào cho sản xuất kinh doanh.

Về chính sách thuế, phí, lệ phí: 31,2% doanh nghiệp kiến nghị điều chỉnh chính sách thuế, phí và các khoản nộp ngân sách nhà nước phù hợp. Về điều kiện và thủ tục vay vốn: 29,0% doanh nghiệp kiến nghị cần tiếp tục cắt giảm điều kiện và thủ tục vay vốn. Về thủ tục hành chính; 28,6% doanh nghiệp kiến nghị cần rút ngắn thời gian và cắt giảm quy trình xử lý thủ tục hành chính.

Về thị trường đầu ra: 27,7% doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục có các biện pháp kích cầu trong nước; 21,4% doanh nghiệp kiến nghị cần tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Nguyễn Hòa