Dạy bơi miễn phí ở miền sông nước: Hy sinh thầm lặng vì tính mạng trẻ

Cô Ðỗ Thị Ngọc Quý hướng dẫn bơi cho học sinh.

Để hạn chế thực trạng đau lòng đó, nhiều người có tấm lòng nhân ái đã mở các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ ở địa phương.

Giáo viên miệt vườn mở lớp dạy bơi

Những ngày hè, tại hồ bơi của thầy Ngô Trọng Tính (36 tuổi), giáo viên môn Giáo dục thể chất, Trường THCS Thới An Hội (xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, Sóc Trăng) luôn rộn rã tiếng vui đùa của các em nhỏ đến học bơi miễn phí.

Nơi thầy Tính công tác là xã vùng sâu, vùng xa, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều trẻ không có điều kiện học bơi, trong khi đó môi trường sống của trẻ xung quanh là sông nước. Nhận thấy điều này, thầy Tính quyết định mở lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em nghèo vào mỗi dịp hè. Lặng lẽ hơn 6 năm qua, thầy đã giúp hàng ngàn trẻ em trên địa bàn thành thục kỹ năng bơi lội.

Tham gia lớp bơi, em Huỳnh Duy Anh (ngụ huyện Kế Sách) chia sẻ: Em được thầy Tính hướng dẫn nhiệt tình về các kỹ năng bơi, lặn, đứng nước. Những ngày hè học bơi với các bạn em rất thích. Giờ lỡ có té sông cũng không quá nguy hiểm bởi em đã thành thục kỹ năng bơi lội.

Cùng tham gia học bơi, em Lê Dương Gia Phú (ngụ huyện Kế Sách) cho hay, thấy môn bơi lội rất cần thiết trong vấn đề bảo vệ sức khỏe và tính mạng nên đã đăng ký đến học với thầy Tính. Sau mấy buổi học, em đã tự tin hơn hẳn. Phụ huynh em Phú cũng yên tâm hơn khi con trai họ biết bơi. Họ trút được nỗi lo con có thể gặp tai nạn vì quanh nhà là kênh, rạch.

Nói về công việc thiện nguyện của mình, thầy Tính chia sẻ: “Khi nảy sinh ý tưởng dạy bơi và lắp ráp bể bơi lưu động dạy các em, tôi cũng suy nghĩ nhiều. Lương giáo viên của tôi thấp lại phải lo cho gia đình, cũng lắm chật vật. Tuy nhiên, nghĩ đến việc học sinh không biết bơi, nhiều vụ đuối nước thương tâm đã xảy ra nên tôi quyết tâm hỗ trợ. May mắn, ý tưởng của tôi nhận được sự giúp sức, ủng hộ nhiệt tình của người thân, bạn bè. Vì đó nó được hiện thực hóa”.

Để có kiến thức và kinh nghiệm dạy bơi vững vàng, thầy Tính đã tích cực tham dự các lớp tập huấn nghiệp vụ phòng, chống đuối nước do ngành Giáo dục Sóc Trăng tổ chức. Thậm chí, thầy còn cất công tìm đến Trường Đại học Thể dục - ể thao TPHCM để trau dồi thêm kiến thức về bộ môn bơi, thi lấy chứng chỉ về cứu đuối…

Cô Ðỗ Thị Ngọc Quý (TP Cần Thơ) cùng học sinh khởi động trước khi tiếp nước học bơi.

Lớp dạy bơi miễn phí của bà Thia. Ảnh: Hồng Nhung

Các trường ở Đồng Tháp đang tích cực mở các lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh. Ảnh: Văn Ngợi

Một buổi dạy bơi miễn phí của thầy Tính.

Những phụ nữ lặng thầm cống hiến

Dạy bơi không chỉ là công việc của nam giới. Suốt 8 năm qua, cô Ðỗ Thị Ngọc Quý, giáo viên môn Giáo dục thể chất, Trường Tiểu học Trà Nóc 2 (phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cũng đã duy trì tổ chức lớp dạy bơi cho học sinh ở trong và ngoài trường. Mỗi năm, cô Quý đào tạo cho hơn 200 em biết bơi.

Theo cô Quý, trung bình mỗi năm, cô tham gia tổ chức 3 - 4 khóa dạy bơi, mỗi lớp tiếp nhận từ 40 - 50 em. Ngoài ra, cô Quý còn lồng ghép dạy kỹ năng sống, phòng chống đuối nước trong các tiết dạy thể dục trong trường nơi cô công tác.

Có con tham gia lớp học bơi của cô Quý, chị Nguyễn Thị Loan (41 tuổi, ngụ quận Bình Thủy) chia sẻ, con học lớp 3. Từ một cậu bé sợ nước, không biết bơi, sau 3 tuần đăng ký học lớp của cô Quý, con chị Loan đã có thể bơi lội cơ bản.

“Có lớp học thế này, nhiều phụ huynh cũng yên tâm, tự tin hơn khi gửi con về quê chơi cùng ông bà trong những ngày hè. Phụ huynh rất đồng lòng ủng hộ. Mỗi người cũng góp một ít để cùng nhà trường và cô Quý duy trì lớp học thiết thực này”, chị Loan nói.

Kinh phí duy trì lớp dạy bơi chủ yếu vận động từ nguồn xã hội hóa. Phụ huynh cũng đồng lòng đóng góp để trang trải trả tiền thuê hồ bơi, thuê huấn luyện viên. Những em có hoàn cảnh khó khăn trong trường đều được học hoàn toàn miễn phí.

Chia sẻ về lớp dạy bơi, cô Lê Thị Huỳnh Giao, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Nóc 2, cho hay: “Hàng năm, hơn 80% học sinh học xong lớp 5 đều biết bơi. Ðó là thành quả rất đáng biểu dương của cô Quý, góp phần vào thành tích chung của trường trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục học sinh phát triển toàn diện. Cô Quý là giáo viên chịu học hỏi, có nhiều sáng tạo bởi rất yêu thương học trò. Đối với phong trào dạy và học bơi, cô rất nhiệt tình. Cô không ngại khó khăn, luôn ưu tiên, sắp xếp thời gian hỗ trợ các em”.

Tại Đồng Tháp, người dân địa phương khá quen thuộc với bà Trần Thị Kim Thia (thường gọi là bà Sáu, SN 1952, ngụ ấp 4, xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười). Bà Thia đã có hơn 20 năm tận tụy dạy bơi miễn phí cho trẻ em. Với tấm lòng yêu trẻ và cách dạy “thuật chiến”, các lớp dạy bơi của bà Sáu Thia luôn đạt chất lượng. Thường học sinh theo học chỉ sau 5 ngày là có thể biết bơi cơ bản.

Tham gia lớp học bơi, trẻ em được bà Sáu Thia dạy từ những kiến thức cơ bản như: Làm quen với nước, hít thở trong môi trường nước, kỹ năng cơ bản về bơi, kỹ thuật bơi phòng, chống đuối nước...

Đến nay, bà Thia đã trực tiếp kèm dạy cho trên 2.000 trẻ biết bơi. Con số ấy của bà đã góp phần không nhỏ vào việc hạn chế những tai nạn thương tích trẻ em do đuối nước ở vùng Tháp Mười.

Những lớp dạy bơi miễn phí ở miền Tây đều do những con người bình dị đứng lớp. Họ thầm lặng hy sinh với mong muốn góp sức phòng chống tai nạn đuối nước, quan tâm chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Thành Thật