Đằng sau việc Anh xem Thỏa thuận Mỹ-Taliban là cáo trạng

Anh thất vọng với Thỏa thuận Mỹ-Taliban khi xem đó là bản cáo trạng với phương Tây

Ngày 9/8, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace lên án thỏa thuận hòa bình mà Mỹ ký với Taliban là một thỏa thuận tồi tệ, nó đã phá tan "phần lớn những gì mà liên quân quốc tế đã đạt được ở Afghanistan trong 20 năm qua", theo Arab News.

Người đứng đầu quân đội Hoàng gia Anh cho biết, ngay thời điểm Taliban phát động chiến dịch quân sự hồi tháng 5 vừa qua, Anh đã cố gắng để thành lập một liên minh quân sự nhằm giúp đỡ chính quyền Afghanistan sau khi Mỹ rút quân.

Đại diện lực lượng vũ trang Anh đã kêu gọi quân đội các quốc gia cùng chí hướng ở lại Afghanistan sau khi quân đội Mỹ rời quốc gia Trung-Nam Á này, tuy nhiên, "một số chính phủ rất nhiệt tình, nhưng nghị viện các quốc gia ấy thì không".

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Anh, ý tưởng trên không thể biến thành kế hoạch khả thi vì "không có Mỹ làm trục", nên các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương cũng từ chối tham gia và London đành từ bỏ ý định.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace bất lực trước tình hình chiến sự ở Afghanistan

Ông Wallace cho rằng, Thỏa thuận Mỹ-Taliban quy định việc rút các lực lượng quốc tế khỏi Afghansiatn là bản cáo trạng cho các chiến lược ngắn hạn của Mỹ và phương Tây, khi “đang bộc lộ nhiều vấn đề nhưng lại không tập trung giải quyết”.

Bộ trưởng Wallace nhận định, Thỏa thuận Mỹ-Taliban được ký kết dưới thới chính quyền Tổng thống Donald Trump đã chính thức khơi dậy niềm tin chiến thắng cho lực lượng phiến quân Taliban.

Và việc chính quyền Tổng thống Joe Biden kiên quyết rút các lực lượng của quân đôi Mỹ khỏi Afghanistan đã tạo điều kiện tốt nhất cho tổ chức Hồi giáo cực đoan này có thể giành lại quyền kiểm soát toàn bộ đất nước Afghanistan.

Theo quan điểm của người đứng đầu quân đội Hoàng gia Anh, từ thực tế trên chiến trường, việc chính quyền Kabul sớm thất thủ có thể báo trước, buộc "Anh sẽ phải quay trở lại xứ Afghanistan trong một chiến dịch quân sự khác", lời ông Wallace.

Như vậy là một trong những đồng minh quan trong nhất của Mỹ trong cuộc chiến 20 năm ở xứ A-phú-hãn đã hoàn toàn bất lực trước sự trỗi dậy của Taliban và việc Mỹ tạo vị thế cho tổ chức Hồi giáo cực đoan này bằng bản thỏa thuận hòa bình lịch sử.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh đưa ra lời chỉ trích thỏa thuận của chính quyền Trump với Taliban và thất vọng với quyết định rút quân của chính quyền Biden, sau khi phải chứng kiến Taliban tiến vào Lashkar Gah, nơi đóng căn cứ chính của quân đội Anh.

Đằng sau việc Anh xem Thỏa thuận Mỹ-Taliban là bản cáo trạng với phương Tây?

Giới phân tích từng nhận định rằng, bản Thỏa thuận Mỹ-Taliban là thất bại nặng nề của Washington. Vì khi Taliban đàm phán và ký thỏa thuận trực tiếp với Mỹ đã biến chính quyền Kabul thành thực thể phái sinh trong tiến trình hòa bình cho Afghanistan.

Thực tế đó đã buộc Washingon phải ký Tuyên bố chung với Kabul, đưa đồng minh của mình vào thế bất lợi khi phải thực hiện trách nhiệm "kép". Đó là tuân thủ Thỏa thuận Mỹ-Taliban đồng thời với thực thi Tuyên bố chung Mỹ-Afghanistan.

Trong khi trách nhiệm của Taliban chỉ là tuân thủ Thỏa thuận Mỹ-Taliban, trong đó có đàm phán với chính quyền Kabul, nhưng không có trách nhiệm tuân thủ Tuyên bố chung Mỹ-Afghanistan, vì đây là chuyện riêng của Washington với Kabul.

Riêng về mặt kỹ thuật đã thấy việc đàm phán giữa chính quyền Kabul với Taliban là khó có thể đạt kết quả như ý Mỹ. Với thực tế ấy, trong mọi trường hợp, nguy cơ lỗi thuộc về chính quyền Afghanistan nhiều hơn là Taliban.

Rõ ràng, ký trực tiếp thỏa thuận với Mỹ - và chỉ duy nhất Mỹ - là chiến thắng tuyệt đối của Taliban. Vì nhóm phiến quân này chỉ cần khai thác sự lệch pha giữa Thỏa thuận Mỹ-Taliban với Tuyên bố chung Mỹ-Afghanistan là có thể vô hiệu nước cờ của Mỹ.

Hậu quả, thế cờ của Mỹ trong ván cờ Afghanistan sau khi Thỏa thuận Mỹ-Taliban và Tuyên bố chung Mỹ-Afghanistan được ký kết, gần như thuộc vào Taliban và thể hiện qua hành xử của nhóm phiến quân với chính quyền Kabul.

Điều đó lý giải tại sao Trưởng đoàn đàm phán Taliban Abbas Stanikzai hân hoan đến vậy, khi Thỏa thuận Mỹ-Taliban được ký. "Rõ ràng, chúng tôi đã chiến thắng trong cuộc chiến này… Đó là lý do chúng tôi ký hiệp ước hòa bình".

Ký thỏa thuận với Taliban là Mỹ ký bản cáo trạng cho kịch bản chính trị hóa khủng bố

Hệ quả, để Thỏa thuận Mỹ-Taliban và Tuyên bố chung Mỹ-Afghanistan được thực thi, cả Washington và Kabul phải chiều ý Taliban, bằng không thì cuộc chiến của Mỹ tại xứ A-phú-hãn lại phải tiếp tục - điều mà Washington đã ngán đến tận cổ.

Với thực tế ấy, không thể phủ nhận mọi thế cờ của Mỹ trong ván cờ Afghanistan đã bị Taliban đánh sập, buộc Washington phải chấp nhận đổi vai - chuyển từ đạo diễn sang phụ diễn cho Taliban trong mọi nước cờ.

Đây chính là nguyên nhân Tổng thống Joe Biden kiên quyết rút các lực lượng Mỹ tại Afghanistan về nước, vì Washington không thể chấp nhận làm phụ diễn cho Taliban trong chính ván cờ mà mình sắp đặt.

Khi Mỹ rút đi bỏ lại sau lưng đất nước Afghanistan đang oằn mình trong lửa đạn và lời oán thán của người dân A-phú-hãn về sự vô lương, thì Thỏa thuận Mỹ-Taliban là bản cáo chung cho các chiến lược của Mỹ-phương Tây.

Tuy nhiên, theo quan điểm của người đứng đầu quân đội Hoàng gia Anh, thì gọi đây là bản cáo trạng mới thỏa đáng. Giới phân tích cho rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Anh đã nhìn thẳng sự thật, nhưng mới nói ra một nửa sự thật. Vậy sự thật đó là gì?

Đó chính là thảm họa trong các nước cờ chính trị của Mỹ khi có quá nhiều sản phẩm lỗi trong các ván cờ thời hậu Chiến tranh Lạnh. Hậu quả là quá nhiều cuộc chiến diễn là bởi "người của Mỹ" đánh "người thân Mỹ".

Từ Afghanistan, đến Iraq, Libya. Lúc đầu thì mọi việc đều do Mỹ đạo diễn nhưng rồi dần các chuyển động vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Mỹ, khi xung đột giữa người thân Mỹ với người của Mỹ đưa Mỹ vào thế lưỡng nan.

Khi uy lực Mỹ suy giảm, uy tín Mỹ suy giảm thì cả người thân Mỹ và người của Mỹ trở thành những sản phẩm lỗi của Mỹ, mà đỉnh điểm của thảm họa này là người của Mỹ, thậm chí cả người thân Mỹ, sẵn sàng bắn Mỹ.

Phiến quân Taliban từng là "người thân Mỹ", từng được Washington bảo trợ và sử dụng chống lại Liên Xô khi Moscow kiểm soát Afghanistan. Song vì là sản phẩm lỗi nên nhóm phiến quân này đã bảo trợ cho kẻ tấn công nước Mỹ ngay trên đất Mỹ.

Rồi khi Washington phát động cuộc chiến tại Afghanistan thì chính Mỹ phải đối đầu với người thân Mỹ năm nào và giờ đây chính người thân Mỹ mở đường cho Mỹ rút để rảnh tay đánh người của Mỹ.

Hay tại Libya, Lực lượng quân đội Quốc gia Libya của Nguyên soái Khalifa Haftar- người từng được CIA cứu sống và nuôi dưỡng đã tấn công lực lượng của Chính phủ Đoàn kết Quốc gia Libya được thành lập theo ý đồ của Mỹ.

Khi Mỹ và đồng minh can thiệp, "người của Mỹ" đã cảnh báo sẵn sàng bắn Mỹ nếu xâm phạm không phận-địa phận do Lực lượng quân đội Quốc gia Libya kiểm soát, khiến Mỹ phải ngao ngán.

Không thể không thất vọng khi sản phẩm lỗi trong các ván cờ Mỹ ngày càng nhiều và hậu quả từ thảm họa này ngày càng lớn, như Bộ trưởng Quốc phòng Anh nhận xét Thỏa thuận Mỹ-Taliban phá tan thành quả của liên quân 20 năm ở xứ A-phú-hãn.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói chính quyến Kabul phải tự đối phó với tình hình, nhưng Washington không thể ngồi yên

Nhưng khủng khiếp hơn là hậu quả từ việc người của Mỹ đánh người thân Mỹ và cả kẻ thù đánh Mỹ là đưa đời sống chính trị - xã hội các quốc gia vào vòng xoáy vô định, thậm chí nguy cơ bị kiểm soát bởi sản phẩm lỗi của Mỹ nhưng thuộc phiên bản cực đoan.

Rõ ràng kế hoạch ngắn hạn của Mỹ-phương Tây chẳng gì khác hơn là kịch bản chính trị hóa khủng bố - một phiên bản cực đoan từ sản phẩm lỗi của Mỹ - rồi từ đó phải chấp nhận làm phụ diễn cho khủng bố trong chính bàn cờ mình sắp đặt.

Như vậy, việc Taliban có thể giành quyền kiểm soát đất nước Afghanistan từ tay Mỹ và các đồng minh rõ ràng là một bản cáo trạng cho kịch bản chính trị hóa khủng bố và chính tác giả kịch bản là bị can trong bản cáo trạng này.

Nghĩa là Mỹ-phương Tây chưa thể khoanh tay đứng nhìn Taliban làm chủ tình hình tại Afghanistan, mà họ sẽ phải trả giá khi việc nhóm phiến quân này kiểm soát đời sống chính trị-xã hội tại xứ A-phú-hãn, Vì vậy, với Mỹ, rút quân chưa phải là xong.

Ngọc Việt