Cần đánh giá tác động khi quy định điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ đủ 75 tuổi trở lên

Ngày 23/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật ảo hiểm xã hội (sửa đổi). Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đối với dự án Luật là quy định điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ đủ 75 tuổi trở lên và không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng khác theo quy định của Chính phủ.

Tuy nhiên, độ tuổi quy định tại Điều 21 khác với độ tuổi mà người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc để được hưởng chế độ hưu trí quy định tại Điều 64 dự thảo và Điều 169 Bộ luật Lao động... Vì vậy, cần có sự đánh giá tác động và khả năng đáp ứng của ngân sách Nhà nước, nhất là trong điều kiện nước ta sắp chuyển sang giai đoạn dân số già hóa. Số lượng người thuộc diện bảo đảm của chính sách này sẽ ngày càng gia tăng.

Đại biểu Quốc hội Sùng A Lềnh phát biểu.

Việc đề xuất độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 75 tuổi trở lên lại nhận được những ý kiến trái chiều. ĐBQH Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai) nhận định, việc bổ sung quy định về trợ cấp hưu trí, xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng là thể chế hóa nội dung Nghị quyết số 28 của Trung ương. Chính sách này thể hiện tính nhân văn, trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm an sinh cho người cao tuổi không có lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng khác.

Tuy nhiên, việc quyết định loạt trợ cấp hưu trí xã hội không gắn với nghĩa vụ đóng và được điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có thể ảnh hưởng tới chính sách phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, cũng như ảnh hưởng tới mục tiêu hạn chế giúp bảo hiểm xã hội một lần. Vì có thể dẫn tới tâm lý người lao động suy nghĩ không cần tham gia bảo hiểm xã hội hoặc không cần duy trì đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí, đến khi đủ điều kiện về tuổi (trong dự thảo luật đang đề xuất là 75 tuổi) vẫn được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Đây là vấn đề cần phải đánh giá kỹ tác động và khả năng đáp ứng của ngân sách Nhà nước, nhất là trong điều kiện nước ta sắp chuyển sang giai đoạn dân số già hóa. Số lượng người thuộc diện bảo đảm của chính sách này sẽ ngày càng gia tăng.

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Đồng thuận với việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, hướng đến mở rộng bảo hiểm xã hội toàn dân, đúng tinh thần Nghị quyết 28, tuy nhiên, Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) cũng còn băn khoăn việc đưa đối tượng người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên hưởng trợ cấp hưu trí xã hội theo cách trình bày của Ban soạn thảo.

Thứ nhất, ợ cấp xã hội đối với người cao tuổi không có lương hưu, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội nếu không thực hiện và mang sang luật này thì Luật Người cao tuổi và Nghị định 20 quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội vẫn đang được thực hiện. Nếu không bổ sung nhóm đối tượng này vào Luật Bảo hiểm xã hội thì người cao tuổi vẫn được hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định.

Thứ hai, về tên gọi trợ cấp hưu trí xã hội. Đối tượng này thực hiện theo điểm a, b, c khoản 5 Điều 5 Nghị định 20 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội gồm: Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng; hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a khoản này đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn. Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại điểm a khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng.

“Ở đây chính sách bảo hiểm xã hội thực hiện theo nguyên tắc đóng hưởng, trong khi trợ cấp cho nhóm đối tượng này hoàn toàn do ngân sách nhà nước chi trả. Vậy, liệu quy định vào dự thảo Luật có phù hợp hay không? Mặt khác, về tên gọi trợ cấp hưu trí xã hội cho nhóm đối tượng không phải là hưu trí từ công chức, viên chức, người lao động và chưa từng tham gia đóng bảo hiểm xã hội liệu có phù hợp khi được quy định trong trường hợp này hay không?”, Đại biểu Ma Thị Thúy đặt vấn đề.

Đại biểu Ma Thị Thúy góp ý hoàn thiện dự thảo Luật.

Theo Đại biểu Ma Thị Thúy, về độ tuổi trợ cấp xã hội, theo quy định hiện nay, người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này lại quy định trợ cấp hưu trí xã hội cho tất cả công dân từ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng. Như vậy sẽ bỏ Điều 17 trong Luật Người cao tuổi năm 2009 hay vẫn còn giữ nguyên Điều 17? Nếu bỏ thì chế độ bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi thuộc hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng những người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng thì sẽ giải quyết như thế nào?

Từ những băn khoăn nêu trên, Đại biểu Ma Thị Thúy kiến nghị Ban soạn thảo cần có báo cáo làm rõ hơn quy định này về đối tượng, độ tuổi, tên gọi, mức trợ cấp, các chính sách có liên quan, nguồn lực thực hiện và tính liên thông, tính đa tầng với các quy định khác cho phù hợp chung với các nguyên tắc đã được nêu trong dự thảo luật.

N.Hường