Bảo đảm an toàn trong xây dựng những công trình lớn

Công trình lớn, an toàn càng đặt lên hàng đầu

Sau khi hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 công trình đê chắn sóng cảng Chân Mây của tỉnh Thừa Thiên Huế dài 450m vào cuối năm 2021, Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô tiếp tục tham gia thi công giai đoạn 2 với chiều dài 300m. Để tạo hình đê, đơn vị sử dụng sà lan nạo vét bùn, đất, thay thế bằng nền cát với độ sâu khoảng 25m, sau đó đổ đá tạo phần lõi đê, đệm đê, chân khay và mái đê. Khi thành hình, đê được gia cố bằng bê tông tươi và các khối bê tông phá sóng nặng từ 16 đến 40 tấn.

Tương tự, tại TP Đà Nẵng, Tổng công ty cũng đang thi công công trình đê chắn sóng cảng Liên Chiểu từ độ sâu 16 đến 19m, chiều dài 580m. Theo Trung tá Lê Đình Bình, Chỉ huy trưởng công trường xây dựng đê chắn sóng cảng Liên Chiểu của Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, môi trường làm việc tại các công trường lớn luôn tiềm ẩn nguy cơ mất ATLĐ.

“Công trình chúng tôi đang thi công có chức năng chắn sóng cho cảng Liên Chiểu, giúp cảng khi đi vào hoạt động có thể đón các loại tàu thương mại tải trọng lên tới 200.000 tấn. Đây là công trình trọng điểm, đòi hỏi nguồn nhân lực, vật lực lớn. Ngoài các yếu tố có thể làm ảnh hưởng tiến độ thi công mà đơn vị phải đối mặt như hao mòn máy móc, vật liệu hao hụt khi san lấp... thì nguy cơ mất ATLĐ luôn hiện hữu như: Khói bụi phát sinh, cháy nổ, rơi rớt vật liệu khi đang vận chuyển, sóng biển đánh táp lên cabin xe tải, máy xúc, sà lan hay phương tiện thi công trên biển có nguy cơ va chạm nếu không có sự hiệp đồng thống nhất”, Trung tá Lê Đình Bình chia sẻ.

Kiểm tra máy móc, trang thiết bị trước khi thi công hầm Tuy An.

Dù thi công có đạt tiến độ nhưng nếu để xảy ra mất ATLĐ thì mọi sự cố gắng, thành tích của đơn vị đều trở nên vô nghĩa. Thấm nhuần điều này, Trung tá QNCN Phan Việt Hùng, Phó giám đốc Chi nhánh xây dựng đường thủy, Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô cho biết: Trước khi tiến hành công việc, ban quản lý công trường sẽ thiết lập và đưa ra những quy định về ATLĐ; kiên quyết loại khỏi công trường những người không mặc đầy đủ đồ bảo hộ lao động, bỏ qua các bước ATLĐ và có hành vi gây mất ATLĐ. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát giờ lao động, sinh hoạt của cán bộ, nhân viên, thợ máy, công nhân để bảo đảm đúng yêu cầu về giờ giấc làm việc, nghỉ ngơi.

Được biết, ban chỉ huy các công trường còn giao thành viên các tổ an toàn, vệ sinh viên có trách nhiệm cảnh báo và ra tín hiệu khi máy móc đang hoạt động; đối với sà lan, tàu di chuyển trong khu vực công trường phải có đèn tín hiệu để tránh va chạm, chuẩn bị đầy đủ áo phao, phao cứu sinh, dây thừng... đề phòng trường hợp khẩn cấp; chủ động liên hệ với cơ quan khí tượng nắm tình hình thời tiết để đưa ra kế hoạch thi công phù hợp; di chuyển phương tiện, thiết bị làm việc trên biển đến khu neo trú an toàn khi có cảnh báo biển động do mưa bão, gió mùa Đông Bắc...

Đơn vị duy trì thực hiện đúng những quy định nghiêm ngặt như vậy nên dù phải thi công trên biển lẫn trên cạn, trong điều kiện nguy cơ mất ATLĐ cao, nhưng hai công trình đê chắn sóng cảng Chân Mây và Liên Chiểu đều chưa xảy ra vụ việc đáng tiếc nào và không có trường hợp người lao động mắc bệnh nghề nghiệp.

An toàn của người lao động là điều kiện tiên quyết

Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô còn tham gia xây dựng hầm đường bộ Tuy An (thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Đây là một trong những công trình quan trọng nhất của dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 đoạn Chí Thạnh-Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa).

Đảm nhận xây dựng từ phía Bắc với tổng chiều dài hai ống hầm 500m, Tổng công ty đã gặp khó khăn khi hầm có địa chất yếu, các loại đất không đồng đều, phía trên đỉnh hầm lại có con suối lớn, nguy cơ sạt lở bất kỳ lúc nào, đặt ra yêu cầu rất cao đối với việc bảo đảm an toàn cho đội ngũ thi công hầm.

Phổ biến quy tắc an toàn cho người lao động trước khi thi công hầm Tuy An.

Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Văn Tuấn, cán bộ phụ trách thi công hầm Tuy An của Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, chia sẻ: “Giải pháp của đơn vị là khơi thông hệ thống thoát nước, đồng thời rải đá cho phương tiện di chuyển. Để bảo đảm kết cấu vững chắc cho hầm, chúng tôi đã sử dụng hệ thống vòm chống, neo, đóng cọc, phun bê tông gia cố”...

Với khối lượng công việc lớn và nguy cơ mất ATLĐ cao, song công trình xây dựng hầm Tuy An phía Bắc vẫn vượt tiến độ hơn một tháng, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và máy móc. Theo Đại tá Nguyễn Văn Huynh, Phó trưởng ban điều hành dự án hầm Tuy An của Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, có được kết quả trên là nhờ đơn vị đã huy động tối đa máy móc, nhân lực triển khai làm việc 3 ca, 4 kíp liên tục, đặc biệt là đặt yếu tố an toàn cho con người lên hàng đầu để người lao động yên tâm làm việc.

Trước khi người lao động thực hiện công việc, chỉ huy công trường đều phổ biến chặt chẽ các quy định bảo đảm ATLĐ khi thi công trong hầm, nhất là kiểm tra kỹ lưỡng hệ thống vòm chống, bơm nước, đèn, điện, máy khoan, ống thông gió... Đơn vị thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt, đồng thời nghiêm túc chấn chỉnh, khắc phục ngay những thiếu sót về công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong toàn công trường.

Kiểm tra máy móc, trang thiết bị trước khi thi công hầm Tuy An.

Đại tá Tăng Văn Chi, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô khẳng định, việc bảo đảm an toàn trong lao động sản xuất đã góp phần không nhỏ khẳng định năng lực, thương hiệu của Tổng công ty. Đơn vị luôn tuân thủ nghiêm các quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, hướng dẫn của Tổng cục Kỹ thuật về ATLĐ; thường xuyên quán triệt, phổ biến và triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản, hướng dẫn về công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức đào tạo, tập huấn, cấp giấy chứng nhận về an toàn, vệ sinh lao động cho cán bộ, nhân viên, người lao động.

Cùng với đó, Tổng công ty duy trì chặt chẽ việc kiểm định phương tiện, thiết bị thi công theo đúng quy định; bảo đảm tốt các chế độ, chính sách, lương, thưởng, khám sức khỏe định kỳ và phòng, chống bệnh nghề nghiệp để người lao động yên tâm gắn bó lâu dài...

Thời gian tới, Tổng công ty tiếp tục nâng cao năng lực thiết bị, máy móc hiện đại để vừa tăng năng suất lao động vừa giảm sức người trong các công việc nguy hiểm; đồng thời triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm ATLĐ, lấy an toàn của người lao động là điều kiện tiên quyết trong sản xuất, kinh doanh, như mục tiêu trong chiến lược phát triển Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô giai đoạn 2021-2025 đã xác định.

Bài và ảnh: LÊ HIẾU