Tăng cường khung chính sách về việc làm xanh

Chiến lược tăng trưởng xanh đã được Việt Nam xây dựng cho giai đoạn đến năm 2050, với quan điểm tăng trưởng xanh là một phần quan trọng của định hướng chiến lược phát triển bền vững của đất nước; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tái cơ cấu nền kinh tế, điều chỉnh mô hình tăng trưởng; giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu biến động khí hậu; tạo việc làm và cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, khái niệm việc làm xanh thì đến nay vẫn chưa được nêu ở bất kỳ một văn bản chính thức có tính pháp lý nào.

Năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực cho việc làm xanh

Nhiều doanh nghiệp dù đã tự ý thức, việc làm xanh có thể sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ có lợi cho môi trường, ví dụ như các tòa nhà xanh hay vận tải sạch, song những sản phẩm xanh họ tạo ra (hàng hóa và dịch vụ) không phải luôn luôn dựa trên quy trình và kỹ thuật sản xuất xanh.

Bên cạnh đó, còn không ít người hiểu việc làm xanh mới ở bề nổi, đó là việc làm trong ngành bảo vệ môi trường, mà không nghĩ đến việc làm trong các hoạt động kinh tế khác hướng tới việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển môi trường, tài nguyên thiên nhiên bền vững và giảm tiêu hao năng lượng.

Các nghiên cứu của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho thấy, tiềm năng lớn tạo việc làm xanh tập trung trong lĩnh vực năng lượng tái sinh, giao thông vận tải bền vững, tân trang tòa nhà, xử lý bền vững và tái sử dụng các phế thải… Tiềm năng tạo việc làm xanh là rất lớn nhưng chưa được tận dụng ở hầu hết các nước trên thế giới. Do đó, các nước cần có chương trình giáo dục, đào tạo tương thích với kỹ năng cần thiết phù hợp cho việc làm xanh.

Theo tiến sĩ Cristina Martinez - chuyên gia cao cấp của ILO về việc làm xanh cho châu Á và Thái Bình Dương: Việc làm xanh là việc làm thỏa đáng trong lĩnh vực kinh tế và các hoạt động xã hội, góp phần bảo tồn, phục hồi môi trường trong cả lĩnh vực truyền thống như nông nghiệp, sản xuất và những lĩnh vực xanh mới nổi như năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả. Các nước trong khối ASEAN đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong xây dựng hệ sinh thái chính sách hỗ trợ tăng trưởng việc làm xanh. Việc thiết kế, triển khai chính sách hỗn hợp phù hợp là điều mới mẻ đối với các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới, tuy nhiên vẫn còn nhiều việc phải triển khai.

Trong báo cáo nghiên cứu khu vực về mức độ sẵn sàng của chính sách việc làm xanh trong ASEAN của ILO mới đây cho thấy: Chính sách hỗn hợp để thúc đẩy kỹ năng xanh và sự chuyển dịch công bằng có phạm vi rộng và điều chỉnh nhiều lĩnh vực cũng như cấp độ khác nhau. Cần thiết phải có các chính sách như vậy để đảm bảo tạo ra nhiều nhất việc làm xanh đúng với tiềm năng và lực lượng lao động có tay nghề, sẵn sàng đảm nhận những công việc này. Chính sách cũng phải đảm bảo người lao động làm việc trong những ngành công nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi các nỗ lực xanh được hỗ trợ và tạo cơ hội phát triển kỹ năng, cơ hội được đào tạo, để họ có thể chuyển dịch sang việc làm mới một cách hiệu quả.

Báo cáo cũng chỉ ra, châu Á được hưởng lợi nhiều nhất từ việc tạo việc làm xanh mới. Theo ước tính của ILO, đến năm 2030 sẽ có khoảng 14 triệu việc làm mới được tạo ra, bù đắp những tổn thất do cắt giảm các ngành công nghiệp phát thải các bon tại Trung Đông và châu Phi cũng như trong khu vực châu Á. Những lĩnh vực và nghề nghiệp liên quan đến chuyển dịch năng lượng như điện gió, điện sóng, thủy triều; năng lượng tái tạo cho sản xuất, xây dựng, lắp đặt; mở rộng ngành công nghiệp môi trường, vận tải xanh và lĩnh vực xây dựng, công trình xanh.

Thanh Tâm