'Tam tự' của ngôi trường Lê Thế Hiếu

Trường THPT Lê Thế Hiếu.

Ông giáo già nhớ lời Bác dạy

Một ngày hè, chúng tôi đến thăm người thầy Thái Tăng Ly (thị trấn Cam Lộ) năm nay đã 95 tuổi (ông vừa qua đời). Ông là người thầy trường Lê Thế Hiếu cuối cùng thời kháng chiến còn sống đến bây giờ. Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm nổ ra không lâu, hưởng ứng tinh thần diệt giặc dốt cùng với giặc ngoại xâm và giặc đói do Chính phủ đề xướng, vùng Cùa cách mạng đã mở trường dạy học, để đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương đất nước.

Người thầy giáo già sống gần thế kỷ nhớ lại một quá khứ gian lao mà đẹp đẽ với ký ức tươi ròng dù đã qua 70 năm: “Hồi đó vùng Cùa kháng chiến vất vả, gian nan, thiếu thốn nhiều bề. Nhưng thầy trò vẫn miệt mài dạy và học, ai cũng gắng hết sức mình để đáp lời Cụ Hồ, góp phần diệt giặc dốt, giặc đói và giặc ngoại xâm. Đáng quý biết bao khi bà con vùng chiến khu dù vất vả, cực khổ nhưng vẫn luôn đùm bọc thầy trò chúng tôi, dành những gì tốt nhất cho trường Lê Thế Hiếu. Chúng tôi mãi nhớ ơn bà con vùng Cùa. Nhờ vậy mà nhiều thế hệ đã trưởng thành, giúp ích cho quê hương đất nước”.

Học sinh Trường THPT Lê Thế Hiếu (Cùa) ngoại khóa tìm hiểu về di tích Tân Sở và phong trào Cần Vương.

Chiếc “máy cái” giáo dục của Quảng Trị

Trải qua bao vật đổi sao dời, lớp lớp thầy cô và học trò vẫn nhớ đến nhà cách mạng, liệt sĩ Lê Thế Hiếu, một người yêu nước thiết tha đã tận hiến đời mình vì Tổ quốc và nhân dân. Ông là Chủ tịch tỉnh đầu tiên của tỉnh Quảng Trị sau khi Cách mạng Tháng Tám, có tên trong cuốn sách lịch sử dày cả nghìn trang, đó là cuốn “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” của Nguyễn Q Thắng và Nguyễn Bá Thế được tái bản nhiều lần.

Tấm gương của ông đã được nhiều thế hệ hậu sinh tri ân, thành hành trang tinh thần cho bao cuộc đời khi lập thân, lập nghiệp. Những sĩ tử lớp 12 của trường sắp sửa rời xa mái ấm học đường thắp hương tưởng niệm một con người của quê hương Quảng Trị mà nói như thi hào Nguyễn Du: “Thác là thể phách, còn là tinh anh”.

Ngày nay vùng Cùa với hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa đã có đầy đủ hệ thống giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông với các tên gọi khác nhau. Nhưng hết thảy đều khởi nguồn từ cái nôi truyền thống mang tên Lê Thế Hiếu. Có thể nói đây là chiếc “máy cái” giáo dục của Quảng Trị ngay từ sau khi nước nhà vừa mới dành độc lập không lâu (năm 1950).

Nhiều thế hệ học sinh từ thời kháng chiến chống Pháp dù xa mặt nhưng không cách lòng. Họ vẫn nhớ về chiếc nôi học tập đã rèn dạy đời mình như nhà khoa học GS.TS Hồ Sĩ Thoảng, nhà báo lão thành Trần Trọng Tốn...

Dù khá xa trung tâm nhưng học sinh được học trong một môi trường khá lý tưởng. Trường hoạt động bài bản và nghiêm túc nhưng vẫn đầy tinh thần nhân ái, bao dung. Các thầy cô tận tụy với thiên chức của mình là trồng người. Không coi nghề dạy học là công việc mưu sinh đơn thuần mà cố gắng trao truyền kiến thức cũng như đạo lý cho học sinh của mình…

Anh Phạm Dương, Hội trưởng Hội phụ huynh Trường THPT Lê Thế Hiếu tâm sự rằng: “Phụ huynh hết sức yên tâm khi gửi gắm con em mình cho các thầy cô nơi đây. Dù là trường miền núi nhưng nội quy nghiêm túc, dạy ra dạy, học ra học, thầy ra thầy, trò ra trò. Học trò không những được giáo dục kiến thức, kỹ năng mà còn được truyền dạy tình người, lòng nhân ái”.

Chị Trần Thị Ái Quỳnh, một phụ huynh có các con học ở đây chia sẻ: “Nhiều gia đình có điều kiện cho con học ở các trường thành thị với nhiều thuận lợi hơn. Nhưng nói nói về tinh thần dạy và chăm lo học sinh thì Trường THPT Lê Thế Hiếu là một địa chỉ đỏ. Tôi rất yên lòng, nếu tôi quay lại thời học trò cũng sẽ chọn ngôi trường này”.

Bằng nhiều nguồn lực, đến nay Trường THPT Lê Thế Hiếu đã có một cơ ngơi vững chãi, khang trang ở một địa hình bằng phẳng và rộng thoáng, rất thuận tiện cho việc dạy và học lâu dài. Đó quả thực là một tiền đề vật chất quan trọng trong sự nghiệp trồng người. Trường đã thành công được một việc quan trọng mà không phải nơi nào cũng làm được, là nỗ lực xây dựng học đường thành ngôi nhà thứ hai của học sinh. Các em khi được đến trường là cảm giác hưng phấn, hạnh phúc, cố gắng học hành cho tốt. Và khi đến lúc chia tay thì thương nhớ thật nhiều.

Em Nguyễn Khánh Linh, học sinh lớp 12 nói đầy xúc cảm: “Em nhớ nhất dịp 26/3 trường tổ chức cắm trại. Nhờ vậy mà chúng em hiểu hơn về nhau và hiểu thêm các thầy, cô giáo của trường. Đúng là ngoài thiên chức dạy học, các thầy cô đều xem học sinh như những đứa em của mình. Điều đó thật quan trọng với lứa tuổi học trò. Xa trường, chắc em nhớ lắm!”.

Phương châm tự tin, tự trọng và tự tôn

Tôi ngồi nhìn trong phòng làm việc của thầy Hiệu trưởng Thái Quốc Khánh đã có 13 năm gắn bó nơi đây. Phòng giản dị, treo tấm bảng ghi bức thư Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln gửi thầy giáo con trai mình:

“...Xin thầy dạy cho cháu biết cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng. Xin hãy dạy cháu tránh xa sự đố kỵ. Xin dạy cháu biết được bí quyết của niềm vui chiến thắng thầm lặng. Dạy cho cháu biết được rằng những kẻ hay bắt nạt người khác nhất lại là những kẻ dễ bị đánh bại nhất...

Xin hãy giúp cháu nhìn thấy thế giới kỳ diệu của sách... nhưng cũng cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: Đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong ánh nắng và những bông hoa nở ngát bên đồi xanh. Xin giúp cháu có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân, dù tất cả mọi người xung quanh đều cho rằng ý kiến đó hoàn toàn sai lầm...”.

Thầy giáo Thái Quốc Khánh nói những lời gan ruột dường như đã nung nấu từ lâu: “Trường mang tên một nhà cách mạng, một liệt sĩ đã tận hiến đời mình cho Tổ quốc. Chúng tôi từng mời các cựu binh Gạc Ma về kể chuyện bộ đội Việt Nam vượt qua gian khổ, hy sinh gìn giữ hải đảo của Tổ quốc để giáo dục các em tình yêu đất nước, sẵn sàng cống hiến khi Tổ quốc kêu gọi. Còn về triết lý giáo dục, tôi tâm đắc với phương châm tam tự: Tự tin, tự trọng và tự tôn, đó là điều tâm huyết mà các thầy cô muốn gửi gắm đến học sinh của mình. Đương nhiên mình cũng tham khảo những điều hay của thế giới trong thời kỳ mở cửa. Bức thư của Tổng thống Mỹ Linconln là một dẫn chứng”.

Mai sau, dù có bao giờ... dù ai có đi đâu, về đâu cũng nhớ về vùng Cùa yêu thương, một thung lũng đất ba zan không chỉ trồng cây mà còn biết trồng người, đã mở những con đường đi về phía trước, đã an bình và hân hoan trong mỗi ngày đang đến…