Số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội năm 2023 giảm còn 2,69% số phải thu

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trong năm 2023, bên cạnh công tác phát triển người tham gia thì công tác thu, giảm nợ của ngành cũng đạt những kết quả tích cực, góp phần quan trọng để các quỹ luôn tăng trưởng, an toàn, bền vững, đảm bảo chi trả đầy đủ chế độ cho người tham gia, thụ hưởng.

Ảnh minh họa

Hằng tháng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức giao ban toàn ngành đánh giá chi tiết tiến độ thu, chỉ tiêu giảm số tiền chậm đóng để kịp thời có các chỉ đạo phù hợp với đặc thù ở từng tỉnh, thành phố; tổ chức tuyên truyền, đối thoại, đôn đốc đơn vị đóng bảo hiểm xã hội kịp thời, không để phát sinh số tiền chậm đóng mới.

Đồng thời, tổ chức các đoàn công tác do lãnh đạo ngành làm trưởng đoàn đến nắm bắt tình hình và chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các giải pháp thu, giảm chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp … kịp thời cho từng địa phương.

Đặc biệt, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tăng cường đổi mới, đẩy mạnh thực hiện thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra chuyên ngành đóng đột xuất các đơn vị sử dụng lao động và xử phạt nghiêm các vi phạm. Đến hết tháng 12/2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 18.707 đơn vị.

Tổng số tiền các đơn vị bị thanh tra, kiểm tra chậm đóng trước khi có quyết định thanh tra, kiểm tra là 1.504,1 tỷ đồng, số đã khắc phục, nộp tiền chậm đóng ngay sau khi kiểm tra là 909,8 tỷ đồng (bằng 60,5%). Qua thanh kiểm tra đã phát hiện 44.859 trường hợp sai phạm về đối tượng, mức đóng với số tiền truy thu 132,6 tỷ đồng; yêu cầu thu hồi về quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tổng số tiền 139,5 tỷ đồng do hưởng chế độ không đúng quy định (bằng 186% so với năm 2022).

Nhờ các giải pháp quyết liệt, linh hoạt, đồng bộ của toàn ngành, hết năm 2023, số tiền thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã tăng 8,55% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 101,41% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Số tiền chậm đóng ghi nhận ở mức thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây, giảm từ 6% (năm 2016) xuống còn 2,69% số phải thu.

Có thể nói, trong bối cảnh kinh tế tiếp tục khó khăn, công tác thu, thu hồi số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế phải đối mặt với rất nhiều áp lực. Do đó, việc tiếp tục duy trì tỷ lệ chậm đóng ở mức thấp là một nỗ lực rất đáng ghi nhận, góp phần đảm bảo quyền lợi cho người lao động; nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật của người sử dụng lao động trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Tính đến hết năm 2023, cả nước có 18,259 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt tỷ lệ khoảng 39,25% so với lực lượng lao động trong độ tuổi (đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ). Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 1,83 triệu người (vượt 1,42% so với mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 tại Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương). Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 14,693 triệu người (đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP). Đặc biệt, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,35% (vượt 0,15% so với Nghị quyết 01/NQ-CP) với trên 93,307 triệu người tham gia.

Hà My