Qua Gành Hàu nhớ nghề xưa...

Người dân xã Nghĩa Phú không còn ai biết rõ cái tên Gành Hàu gắn với khúc sông Phú Thọ chảy qua quê mình có từ lúc nào. Nhưng trong ký ức của người nay đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm” là cụ Lê Trình (94 tuổi), một người sinh ra và lớn lên ở Nghĩa Phú, thì ngay từ ngày còn thơ bé, ông đã nghe người làng định danh cho đoạn sông tại vị trí đối diện trụ sở UBND xã Nghĩa Phú bây giờ bằng cái tên dân dã: Gành Hàu.

Ngư dân Trần Đẹp chèo ghe ra Gành Hàu để mưu sinh. Ảnh: ĐÔNG YÊN

Theo lời cụ Trình, "gành" là phương ngữ, có ý nghĩa tương tự như ghềnh. Người xưa gọi khúc sông này là "gành" vì ngay vị trí ấy là một vũng sâu có nhiều đá lởm chởm, nước xoáy mạnh. Trên những tảng đá nằm dưới đáy sông ấy là hằng hà sa số hàu bám vào để sống. Cái tên Gành Hàu là từ đấy mà ra.

Ngay từ xa xưa, cả một xóm nhỏ với gần 20 nóc nhà cạnh Gành Hàu đều gắn bó với nghề lặn sông, đục hàu mưu sinh. Sau khi đưa hàu lên bờ, người làng lại đục lấy ruột hàu rồi bỏ vào từng tô nhỏ để mang ra chợ Phú Thọ bán. Chợ Phú Thọ chỉ cách Gành Hàu chừng 100m, nên việc khai thác và mua bán hàu của người làng trở nên thuận tiện vô cùng. Nghề lặn bắt hàu vì vậy mà thu hút hơn 40 lao động và trở thành sinh kế chính của gần 20 hộ gia đình tại địa phương.

“Ngày trước, cả xóm tôi, nhà nào nhà nấy đều đi cạy hàu. Từ tháng Giêng tới tháng 4, tháng 5 âm lịch hằng năm, Gành Hàu lúc nào cũng đông đúc, rộn ràng người. Ngày đó, chưa có kỹ thuật lặn bằng bình hơi, dây hơi như bây giờ, nên ông tôi rồi cha tôi chỉ biết nín thở, ngụp xuống xuống đáy sông dăm ba phút rồi lại ngoi lên. Nhưng bù lại, hàu ngày ấy nhiều vô kể, nên mọi người chỉ cần bỏ công từ 1 - 2 tiếng đồng hồ, là đã cạy mấy mươi ký hàu”, cụ bà Nguyễn Thị Thanh, 80 tuổi, ở thôn Cổ Lũy Nam bồi hồi nhớ lại.

Cụ bà NGUYỄN THỊ THANH (80 tuổi), ở thôn Cổ Lũy Nam, xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi).

Từng là một khúc sông gắn liền với nghề lặn, bắt hàu nức tiếng một thời, ấy vậy mà nay, Gành Hàu chẳng còn mấy ai còn mặn mà với nghề xưa. Cái tên Gành Hàu cũng chỉ còn đọng lại trong ký ức của những lớp người già và trung niên tại Nghĩa Phú.

“Gành Hàu giờ chỉ còn nhà tôi và nhà ông Muốn còn bám lấy nghề. Nhưng bám thì bám thế thôi, chứ chúng tôi không biết còn bám được tới bao giờ. Bởi nước sông bây giờ đâu còn trong xanh như ngày xưa, nên hàu ngày càng thưa dần đi, chớ đâu còn nhiều vô kể như trước”, ông Trần Đẹp vừa sửa soạn đồ nghề chuẩn bị lặn bắt hàu, vừa trầm ngâm.

Gành Hàu bây giờ không còn là vùng nước lành của hàu như ngày trước. Người làm nghề lặn, bắt hàu ở Cổ Lũy Nam từ hơn 40 người, nay chỉ còn lại 2 người ngụp lặn trên sông. Gành Hàu mênh mông ngày nào, giờ đã trở nên chật chội bởi các “nhà hàng nổi” chuyên bán đồ ăn, thức uống mọc lên san sát. Ngay đến 3 tảng đá màu đen tuyền cao hàng chục mét nhoài ra mé sông - một đặc trưng để nhận diện Gành Hàu, giờ cũng đã bị nhà cửa ven sông che đi hết cả. Vậy nên, giờ đi qua Gành Hàu, nhiều người không chỉ tiếc cho một nghề đã từng hưng thịnh mà còn chợt buồn khi không tài nào tìm lại được khung cảnh thơ mộng, yên bình của Gành Hàu ngày xưa.

ĐÔNG YÊN