HTX du lịch mừng và lo với 'trend' chữa lành của giới trẻ

Khái niệm này không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc sức khỏe tinh thần mà còn mở rộng ra các hoạt động du lịch nghỉ dưỡng, thiền định, yoga, detox, thậm chí là xem bói... Tuy nhiên, các bạn trẻ đang thực sự chữa lành và áp dụng những phương pháp này với mục đích sức khỏe, hay đơn giản chỉ 'đu' theo một xu hướng đang thịnh hành?

'Sốt' với 'trend' chữa lành của giới tr

Khi ngày càng bận rộn và căng thẳng, giới trẻ tìm kiếm những cách để giảm stress và cân bằng cuộc sống. Xu hướng chữa lành mang đến lời giải cho nhu cầu này, giúp họ có thể duy trì tinh thần một cách thoải mái.

Trên các nền tảng truyền thông xã hội như Instagram, YouTube, Facebook,… những hình ảnh và thông điệp về chữa lành đang được lan truyền một cách mạnh mẽ. Việc các ngôi sao và người nổi tiếng thúc đẩy xu hướng này cũng làm tăng sự phổ biến của nó trong giới trẻ.

Mạng xã hội xuất hiện nhiều các group, page chữa lành.

Chuyên gia tâm lý Lã Linh Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học Tâm lý - Giáo dục (PPRAC) Hà Nội, cho biết "chữa lành" là thuật ngữ dùng rất nhiều trong lĩnh vực tâm lý nhưng được biết tới nhiều hơn từ sau đại dịch COVID-19. "Chữa lành" là tác động rất cần thiết và có tác dụng rất tốt đối với những người bị tổn thương, gặp áp lực cuộc sống, rơi vào trạng thái trầm cảm, căng thẳng, hay mất cân bằng, mất phương hướng.

Ví dụ như vào chính dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhiều người thích "check-in" với trend "chữa lành" để khoe muôn vàn phương pháp "chữa lành", hay chính xác hơn là nghỉ dưỡng, vui chơi, thư giãn, giải trí... theo cách riêng. Đây cũng là điều cần thiết trong cuộc sống, đặc biệt là sau những giờ làm việc, học tập căng thẳng.

Rõ ràng, giới trẻ ngày càng nhận thức được giá trị của sức khỏe và trải nghiệm cá nhân, mà còn tìm kiếm mục đích và ý nghĩa của cuộc sống.

"Đối với tôi, trend chữa lành không chỉ là một cách để giảm stress mà còn là phương pháp để duy trì sức khỏe toàn diện. Tôi bắt đầu thực hành yoga và thực phẩm hữu cơ từ một năm trước và thấy rằng nó thực sự giúp tôi cảm thấy thoải mái hơn và năng lượng tốt hơn. Tôi tin rằng chữa lành không chỉ là một trào lưu mà còn là một phong cách sống mang lại lợi ích dài lâu cho cả tâm hồn và cơ thể”, chị Nguyễn Thị Hương (27 tuổi), nhân viên văn phòng cho biết.

Là một gen Z, bạn Bích Tâm chia sẻ, dành thời gian đi du lịch thực sự giúp tôi khám phá nhiều điều về bản thân hơn. Mỗi lần đi một nơi mới, tôi có cơ hội trải nghiệm những văn hóa khác nhau, gặp gỡ những người lạ và tìm thấy những khoảnh khắc thực sự ý nghĩa trong cuộc sống. Đó là thời gian để tôi ngẫm lại mọi chuyện, giảm bớt căng thẳng của công việc. Thay vào đó, tôi thấy mình trở nên thoải mái và tự do.

Tuy nhiên, không phải tất cả các cá nhân trẻ đều áp dụng xu hướng chữa lành với cùng một cảm xúc và mục đích. Một số người có thể chỉ đơn thuần là “đu theo” xu hướng vì những lý do thời thượng và môi trường xung quanh, mà không thực sự hiểu rõ ý nghĩa và lợi ích của từng hoạt động.

Trên thực tế, một bộ phận Gen Z có điều kiện kinh tế gia đình khá giả, có công việc thu nhập ổn, không phải gánh nặng chuyện tiền nong nhưng hay làm quá mọi chuyện, luôn suy nghĩ mọi thứ theo chiều hướng tiêu cực, luôn cảm thấy bản thân bị tổn thương dù là chuyện chẳng đáng gì.

Cơ hội nhưng nhiều áp lực?

Theo thống kê từ Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam), 5 tháng đầu năm 2024, lượng khách du lịch nội địa đạt 52,5 triệu lượt. Điều này cho thấy nhu cầu nghỉ ngơi của người Việt vẫn đang ở mức rất cao.

Ở góc nhìn của một đơn vị làm du lịch, chị Đỗ Thị Huyền Trâm – Giám đốc HTX nông nghiệp sinh thái và du lịch cộng đồng Hòa Bắc (Xã Hòa Bắc, Huyện Hòa Vang, Thành phố Đà Nẵng) cho biết, nắm bắt xu thế “chữa lành” của giới trẻ cũng như khách du lịch hiện nay, ngoài những dịch vụ truyền thống trước đây, HTX đã nghiên cứu và bổ sung thêm các hoạt động trải nghiệm mới mẻ, phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng. Năm nay, khó khăn kinh tế chung, nhưng lượng khách đến HTX nhiều hơn so với thời điểm này năm ngoái.

Giới trẻ đang tạo ra trend du lịch 'chữa lành' là cơ hội nhưng cũng tạo ra những áp lực nhất định cho các HTX Du lịch. (Ảnh BBG)

Tại xã Bình Sơn (Thanh Hóa), khi nhận thấy tiềm năng du lịch sinh thái trước xu hướng chữa lành của giới trẻ tăng nhanh, ông Lê Đình Tú - Giám đốc HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn và một số thành viên đã mạnh dạn tổ chức đón tiếp, cung cấp dịch vụ trải nghiệm thu hái, sao chè cho khách du lịch, người dân trong và ngoài tỉnh.

“Sau khi đa dạng hóa dịch vụ sản xuất gắn với phát triển du lịch trải nghiệm, sản phẩm chè Bình Sơn ngày càng được nhiều người dân, du khách biết đến. Khi đến với Bình Sơn, du khách không những được tận hưởng bầu không khí mát mẻ, trong lành, chiêm ngưỡng cảnh đẹp tự nhiên mà còn được quảng bá về quy trình sản xuất sản phẩm sạch, được tìm hiểu giới thiệu về văn hóa sinh hoạt, sản xuất của các đồng bào dân tộc đang sinh sống trên địa bàn xã. Đây có thể được coi là một điều mới mẻ với những bạn thích chữa lành”, ông Sơn thông tin.

'Trend' chữa lành đang giúp các HTX Du lịch có những thay đổi trong hoạt động kinh doanh, tuy nhiên hiện nay, nhiều HTX đang gặp khó khăn trong việc thích ứng với nhu cầu thay đổi của thị trường. Những điểm đến truyền thống như homestay, tour tham quan di tích lịch sử hay du lịch cộng đồng không còn đủ sức hấp dẫn khi giới trẻ ngày càng ưa chuộng những trải nghiệm mang tính cá nhân và chuyên sâu hơn.

Xu hướng chữa lành thường đòi hỏi các dịch vụ chuyên biệt và không gian độc lạ – điều mà các HTX du lịch truyền thống ít khi đáp ứng được, có thể dẫn đến sự giảm sút lượng khách hàng trung thành, khiến doanh thu của nhiều HTX suy giảm đáng kể.

Theo chia sẻ của chị Trâm, việc chuyển đổi mô hình kinh doanh để đáp ứng xu hướng “chữa lành” không phải là điều dễ dàng đối với các HTX du lịch. Không chỉ cần vốn đầu tư lớn để cải tạo cơ sở vật chất mà còn phải đào tạo nhân viên và xây dựng các chương trình chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp, đem đến dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.

Ngoài ra, các HTX du lịch còn phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp tư nhân và các khu nghỉ dưỡng cao cấp, những nơi đã nhanh chóng bắt kịp và triển khai các dịch vụ “chữa lành” chất lượng cao. Những địa điểm này thường có nguồn vốn dồi dào và khả năng quảng bá mạnh mẽ, thu hút lượng lớn khách hàng trẻ tuổi. Chẳng hạn, khu nghỉ dưỡng Fusion Maia Đà Nẵng đã thành công trong việc tạo dựng thương hiệu “chữa lành” với các dịch vụ spa, yoga và thiền định cao cấp, khiến các HTX địa phương khó lòng cạnh tranh.

Dễ thấy, xu hướng chữa lành đang mang lại nhiều thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các HTX du lịch đổi mới và phát triển. Để tồn tại trong bối cảnh này, các HTX cần linh hoạt hơn trong việc thay đổi mô hình kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ và không ngừng học hỏi, cải tiến để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, mở ra hướng đi mới, bền vững hơn trong tương lai.

Lê Hồng