Hội Nông dân thành phố phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo

Ông Nguyễn Hữu Thiết, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố.

* Ông có thể cho biết kết quả nổi bật của hoạt động phong trào của Hội Nông dân thành phố trong nhiệm kỳ qua?

- Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 7-7-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng và phát triển huyện Hòa Vang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 72/2021/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 của HĐND thành phố về cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Hòa Vang giai đoạn 2022-2025, thời gian qua huyện Hòa Vang có nhiều thay đổi rõ rệt. Đến cuối năm 2022, có 5/11 xã đạt đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 19 thôn kiểu mẫu, 36 vườn mẫu đạt chuẩn; hình thành các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế nông thôn gắn với bảo vệ môi trường; có 64 sản phẩm được chứng nhận OCOP.

Trong nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân thành phố kết nạp 12.230 hội viên mới; tổ chức 105 lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hội cho 9.300 lượt cán bộ hội; quận, huyện hội tổ chức 195 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng công tác tuyên truyền cho 16.400 lượt cán bộ, hội viên ở cơ sở và chi, tổ hội; thành lập 10 chi hội nông dân nghề nghiệp trực thuộc Hội Nông dân quận; củng cố 29 chi hội nông dân nghề nghiệp. Tổng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân thành phố đạt 45,489 tỷ đồng, doanh số cho vay hơn 79,9 tỷ đồng, xây dựng được 349 dự án với 2.809 hộ vay vốn phát triển kinh tế. Tăng trưởng nguồn vốn đạt 21 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ. Đối với kinh tế biển, ngư dân duy trì hoạt động 129 tổ đoàn kết khai thác hải sản với 840 tàu, 4 nghiệp đoàn nghề cá với 473 đoàn viên là chủ tàu, thuyền viên.

Các “Câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” đã tích cực trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh, hỗ trợ về cây, con giống, vật tư nông nghiệp trị giá 53 tỷ đồng để giúp cho 4.000 lượt hộ nghèo, đồng thời giúp cho 1.800 hộ nông dân thoát nghèo, có thu nhập, việc làm ổn định.

* Đà Nẵng đã và đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, vậy mối quan hệ giữa Hội Nông dân và ngành nông nghiệp hiện nay sẽ được phát triển theo hướng nào, thưa ông?

- Thực hiện Chương trình số 42-CTr/TU ngày 5-2-2020 của Thành ủy về “Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với xây dựng nông thôn mới”, nông nghiệp Đà Nẵng đã và đang chuyển dịch theo định hướng nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, ứng dụng công nghệ cao phục vụ đô thị và du lịch. Công tác quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung chuyên canh, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai gắn với quy hoạch chung thành phố. Sản xuất lúa chuyển đổi mạnh theo hướng hữu cơ, với diện tích 345ha. Phát triển sản xuất rau an toàn ổn định 42,73ha diện tích chuyên canh, tập trung, trong đó có hơn 13,54 ha ứng dụng công nghệ cao. Hình thành các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích hơn 4ha; có 48,25ha rau, củ, quả được cấp chứng nhận VietGap; vùng trồng cây chuyên canh với diện tích 130ha.

Ở lĩnh vực lâm nghiệp, tổng diện tích đất rừng là 66.353,85 ha, trong đó đất có rừng là 63.044,15ha, tỷ lệ che phủ rừng: 45,5%. Các địa phương có rừng tích cực thực hiện việc giao đất rừng sản xuất cho người dân quản lý, trồng và khai thác, hiệu quả từ mô hình kinh tế rừng tăng lên. Lĩnh vực chăn nuôi chuyển mạnh sang hình thức trang trại, gia trại, theo hướng hữu cơ, đệm lót sinh học gắn với an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố hằng năm hơn 209.000 con.

* Hội Nông dân thành phố có vai trò tổ chức, tạo nhu cầu cho nông dân trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, từ đó giúp họ chủ động, mạnh dạn đầu tư, liên kết hợp tác. Để làm tốt điều này, hội cần phải tập trung vào những điểm nào?

- Hội Nông dân thành phố phối hợp các Ban của Trung ương hội, các sở, ngành thành phố, Trung tâm khuyến Nông - Lâm - Ngư, Trung tâm khuyến công thành phố mở hơn 306 lớp đào tạo nghề, tập huấn, hướng dẫn cho 7.760 hội viên kiến thức về kinh tế, công nghệ, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, công nghệ chế biến, bảo quản nông sản. Đồng thời đào tạo nâng cao tay nghề cho gần 1.000 lao động tham gia chương trình hợp tác xuất khẩu lao động giai đoạn 2018-2022; tổ chức hơn 1.053 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 30.826 lượt hội viên.

Hội Nông dân thành phố phối hợp Sở Công thương, Bưu điện thành phố tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn hội viên, nông dân tiếp cận phương thức giao dịch thương mại điện tử và đã có 216 cơ sở sản xuất, hộ gia đình đưa sản phẩm lên sàn giao dịch. Các cấp hội chủ động phối hợp tổ chức 102 hoạt động hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua các “Phiên chợ nông sản”, hội chợ xúc tiến thương mại, các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài thành phố để giới thiệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản, góp phần quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục phát huy vai trò cầu nối của Hội Nông dân các cấp trong liên kết “6 nhà” gồm: Nhà nông - Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - ngân hàng - nhà phân phối để hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh nông sản và tăng thu nhập cho nông dân.

Ngư dân quận Sơn Trà vươn khơi bám biển. Ảnh: LÊ HÙNG; Đồ họa: ANH DUY

* Trong nhiệm kỳ tới, Hội Nông dân thành phố cần làm gì để đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống, giúp nâng cao nhận thức, thay đổi mạnh mẽ đời sống?

- Hội Nông dân thành phố thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Thành ủy, Kế hoạch của UBND thành phố về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tăng cường vai trò của các cấp hội trong xây dựng hình ảnh, gương người nông dân Đà Nẵng giàu lòng yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng.

Đẩy mạnh tập huấn, phổ biến nâng cao nhận thức về kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị nông sản cho hội viên, nông dân. Tuyên truyền nông dân phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học công nghệ mới, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Vận động nông dân liên kết với nhau để tập trung ruộng đất nâng quy mô sản xuất, hình thành và mở rộng các vùng sản xuất chuyên canh theo lợi thế của từng địa phương. Nâng cao chất lượng các mô hình có hiệu quả, phù hợp với định hướng nông nghiệp đô thị. Hướng các hộ nông dân đầu tư sản xuất kinh doanh theo mô hình kinh tế gia trại, trang trại, sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa, tập trung, gắn với xây dựng nhãn hiệu sản thực phẩm. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thông tin sản phẩm và tìm kiếm thị trường. Tăng cường phối hợp và làm cầu nối để các thành phần kinh tế liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Giúp đỡ hộ nông dân khó khăn về giống, vốn, kỹ thuật, việc làm để giúp họ vươn lên làm giàu. Nâng cao hiệu quả chương trình phối hợp giữa UBND thành phố - Hội Nông dân - Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố về “Tuyên truyền vận động sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng”.

* Cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!

NGỌC ĐOAN thực hiện