Giấc mơ ô tô Việt Nam: Chọn nhất thời hay chiều sâu?

Báo cáo về thực trạng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam được Bộ Công thương đưa ra mới đây chỉ ra những hai điểm nghẽn khiến ngành công nghiệp này chưa phát triển được, đồng thời cũng đưa ra một số giải pháp nhằm xóa điểm nghẽn ấy.

Dưới góc độ người trong ngành, TS Trần Hữu Nhân Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật ô tô - Máy động lực, Đại học Bách khoa TP.HCM cho rằng, những vấn đề của Bộ Công thương nêu ra không mới, lâu nay ngành công nghiệp ô tô đã thấy hết những điều đó.

Từ trước tới nay, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đều mong muốn Việt Nam có được ngành công nghiệp phát triển, trong đó có ngành công nghiệp ô tô, bởi công nghiệp ô tô sử dụng rất nhiều các sản phẩm do công nghiệp hỗ trợ làm ra, nếu công nghiệp ô tô phát triển thì công nghiệp hỗ trợ mới phát triển.

Một thực tế được ông Nhân chỉ ra là, lâu nay vẫn tồn tại mong muốn Việt Nam có thể làm từ đầu đến cuối một chiếc ô tô "made in Vietnam", thậm chí doanh nghiệp trong nước có thể nhập linh kiện về, làm ra chiếc ô tô để bán. Nhưng câu chuyện đó, theo ông, cần suy nghĩ lại.

TS Trần Hữu Nhân đã nhiều lần khẳng định, khi ô tô đã là một sản phẩm đa ngành, đa quốc gia và theo chuẩn thế giới thì ngành công nghiệp ô tô của một quốc gia không nhất thiết phải làm chỉn chu 100% chiếc ô tô. Thay vào đó, có thể lựa chọn đầu tư vào một mảng phụ kiện nào đó, làm cho nó phát triển mạnh, tham gia được vào một chuỗi cung ứng cho ngành sản xuất ô tô trên toàn cầu.

Thay vì phân tán nguồn lực, vị chuyên gia cho rằng Việt Nam nên tập trung đầu tư để có nguồn nhân lực chất lượng cao.

"Xu hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô đã thay đổi và ảnh hưởng đến đầu tư của các công ty, tập đoàn lớn. Đã có những công ty, tập đoàn chuyên về công nghiệp phụ trợ phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp khác, không riêng gì ô tô. Họ có chiến lược đầu tư riêng, họ có thể qua Việt Nam sản xuất, nghiên cứu, thậm chí hình thành những trung tâm nghiên cứu, tận dụng nguồn nhân lực tốt, giá rẻ của Việt Nam, đầu tư vào chất xám cũng như kỹ thuật, công nghệ cao, sản xuất ra một số sản phẩm cốt lõi phục vụ cho chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu.

Như vậy, những doanh nghiệp ấy không làm ra một chiếc ô tô hoàn chỉnh, nhưng những người làm ô tô mà thiếu họ thì không làm được", TS Trần Hữu Nhân nói và cho rằng, nếu để định hình một thương hiệu ô tô đi vào lòng người, chỉ phục vụ cho người Việt Nam thì sẽ không có được ngành công nghiệp ô tô, vì dung lượng thị trường Việt Nam rất nhỏ.

Bởi vậy, trở lại với báo cáo của Bộ Công thương về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, ông Nhân cho rằng khi đề ra những giải pháp để xóa điểm nghẽn, thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô phát triển, hẳn cơ quan này đã tính toán để làm sao chính sách ấy có lợi nhất. Tuy nhiên, vẫn có một số điểm ông thấy chưa thỏa đáng.

Đơn cử, một trong những giải pháp nhằm tạo dựng thị trường được Bộ Công thương đề ra là xem xét, cân nhắc chính sách cho vay ưu đãi mua ô tô trong nước; rà soát các loại thuế, phí liên quan đến ô tô trên toàn chuỗi giá trị để điều chỉnh theo hướng thuận lợi hóa sản xuất và tiêu dùng ô tô, phát triển lành mạnh thị trường ô tô trong nước.

Theo ông Nhân, kích thích tiêu dùng trong công nghiệp ô tô như cách nêu trên đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện song ấy là để kích thích cho lối sống xanh.

Pháp, Đức và nhiều nước quy định khoảng 2040 sẽ cấm sản xuất ô tô sử dụng động cơ đốt trong. Họ công khai để cả doanh nghiệp và người dân thay đổi kế hoạch, điều chỉnh tiêu dùng. Bên cạnh đó, để khuyến khích, chính phủ các nước đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ người sản xuất lẫn người dùng.

Chẳng hạn, tại Nhật Bản, người dân nhận được mức hỗ trợ từ 125.000-250.000 yen khi mua xe điện và thải loại xe cũ sử dụng động cơ đốt trong.

Tại Hàn Quốc, người dân mua ô tô điện sẽ được hỗ trợ tới 13-19 triệu won. Trong khi đó, Thái Lan áp dụng nhiều khoản ưu đãi thuế giúp người dân giảm chi phí. Ngoài ra còn có nhiều chính sách khác về điểm đỗ xe, phí làm biển, ưu tiên làn di chuyển...

Ở Việt Nam, nếu làm theo cách như Bộ Công thương đưa ra để kích thích người dân mua ô tô, theo ông Nhân, chỉ có tác dụng nhất thời và không có sự ràng buộc lâu dài để các doanh nghiệp đầu tư bài bản nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô đúng nghĩa.

Vị TS cho rằng, điều Việt Nam cần là những trung tâm tập hợp được nguồn nhân lực có trình độ cao để làm các dự án, đầu tư có chiều sâu về cấu hình, thiết kế, chế tạo nên hệ thống, chi tiết mới ứng dụng trong chiếc ô tô.

"Một chiếc ô tô có vài trăm ngàn linh kiện lớn nhỏ, do đó những trung tâm đó cần được hình thành để tập hợp đội ngũ nhân lực chất lượng cao, khi ấy chúng ta mới thấy được sức mạnh của ngành. Còn lắp ráp ô tô rồi cung cấp cho thị trường chỉ là đáp ứng về mặt ngắn hạn, còn lâu dài không có chiều sâu", TS Trần Hữu Nhân nhận xét.

Thành Luân