Đưa chính sách an sinh xã hội đến với nhân dân

Nhiều doanh nghiệp duy trì được việc làm và tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động, nhưng đã có nhiều nơi khó khăn dẫn đến suy giảm số người tham gia. Ảnh: D.L

Tăng diện bao phủ

Qua hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 28, điều dễ nhận thấy nhất là sự thay đổi trong tuyên truyền chính sách. Việc ảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh tích cực phối hợp với các đơn vị, địa phương tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã tạo sự đồng thuận trong cải cách chính sách BHXH.

Trước hết, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành BHXH là một tuyên truyền viên. Sau đó là sự phối hợp toàn diện với các sở, ngành, địa phương và cơ quan truyền thông của tỉnh để tuyên truyền, đưa chính sách đến với nhân dân.

Theo BHXH ảng Nam, ước tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 214.550 người tham gia BHXH (chiếm khoảng 24,93% lao động trong độ tuổi). Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 194.368 người (tỷ lệ 22,58%), số người tham gia BHXH tự nguyện là 20.182 người (tỷ lệ 2,34%), có 180.120 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (tỷ lệ 20,93%). Số liệu này chỉ tính người tham gia BHXH tại Quảng Nam, không tính số lao động của tỉnh Quảng Nam tham gia BHXH tại các địa phương khác (khoảng 51.000 người).

Ông Nguyễn Thanh Danh - Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: “Từ khi có Nghị quyết 28, chính sách BHXH được cụ thể hóa bằng các văn bản pháp quy phạm và dần hoàn thiện qua các năm.

Các bộ, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện chính sách BHXH, BHTN được kịp thời, đầy đủ. Chính sách an sinh này đã nhận được sự quan tâm và vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên đã đến được với từng địa phương, người dân.

Đặc biệt, trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, từ tỉnh đến xã đều có chỉ tiêu về phát triển BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), nhờ đó đã nâng cao trách nhiệm của chính quyền từng địa phương.

Hệ thống tiêu chí, chỉ tiêu được xây dựng, cụ thể hóa nên rất thuận lợi trong việc triển khai thực hiện. Tuy còn nhiều khó khăn, có sự chưa quan tâm chưa đúng mức ở một số nơi, nhưng chính sách thực sự đã đến được với nhân dân trong tỉnh từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo”.

Còn nhiều khó khăn

Theo ông Văn Phú Quân - Phó Giám đốc BHXH tỉnh, do dịch COVID-19, các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn trong sản xuất, kinh doanh… dẫn đến việc chậm đóng, nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài.

Một số đơn vị không có khả năng trả nợ hoặc giảm lao động, dừng đóng BHXH, BHTN đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Với Quảng Nam, để hỗ trợ nhân dân gặp khó khăn không tham gia vào chính sách BHXH, BHYT, tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ rất thiết thực. Tuy vậy, vẫn có không ít rào cản cho sự phát triển người tham gia chính sách.

Tuy có chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP và hỗ trợ từ ngân sách tỉnh theo Nghị quyết số 41, ngày 8/12/2021 của HĐND tỉnh, nhưng số người tham gia BHXH tự nguyện trong 10 tháng đầu năm 2023 vẫn giảm hơn năm 2022.

Ông Quân phân tích: “Tỷ lệ người lao động tham gia BHXH tự nguyện vẫn thấp so với lực lượng lao động của tỉnh. Đồng thời những người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh lựa chọn mức đóng thấp, bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.

Nhiều trường hợp đăng ký đóng được thời gian ngắn đã dừng, không tiếp tục tham gia nên đã rời khỏi lưới an sinh BHXH. Nguyên nhân là do thu nhập của đa số nhân dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên còn nhiều khó khăn, chưa ổn định”.

Khu vực miền núi chiếm 74% diện tích của toàn tỉnh, đồng bào dân tộc thiểu số có khoảng 139.000 người, chiếm 9,25% dân số toàn tỉnh. Khu vực này thu nhập của người dân còn thấp, một bộ phận lớn người dân không có khả năng tham gia BHXH tự nguyện.

Lực lượng lao động trong độ tuổi còn nhiều nhưng thiếu việc làm ổn định, thu nhập khó khăn nên chưa nhiệt tình tham gia BHXH tự nguyện. Ở khu vực đồng bằng, việc vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện cũng gặp khó.

Chế độ được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện chỉ có hưu trí và tử tuất nên có sự so sánh với chế độ BHXH bắt buộc. Vì thế mà tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của tỉnh, người dân có kiến nghị nên bổ sung các chính sách như ốm đau, thai sản thì sẽ thu hút người dân tham gia nhiều hơn.

Bộ LĐ-TB&XH giám sát việc thực hiện chính sách BHXH tại Quảng Nam

Cuối tuần qua, Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP và Nghị quyết số 69/NQ-CP về giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tại Quảng Nam.

Báo cáo với đoàn giám sát, BHXH tỉnh thông tin, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện tăng diện bao phủ người tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Cơ quan BHXH các cấp luôn thực nhiện tốt công tác tuyên truyền, vận động và đôn đốc các đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm chính sách BHXH, BHTN cho người lao động, trong đó tập trung vào các giải pháp nhằm tăng số người tham gia mới và duy trì số người đã tham gia BHXH, BHTN.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tình hình người lao động tham gia BHXH, BHTN có xu hướng giảm, số người nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp BHXH 1 lần gia tăng đáng kể.

BHXH tỉnh đã kiến nghị với đoàn giám sát nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, đáng chú ý như, cần sửa đổi Luật BHXH theo hướng giảm số năm đóng BHXH xuống còn 15 năm, hướng tới còn 10 năm để được hưởng chế độ hưu trí.

Bổ sung quy định đối tượng là người hoạt động không chuyên trách cấp xã được tham gia BHXH bắt buộc, đóng đầy đủ các quỹ BHXH với mức lương hiện hưởng để được hưởng các chế độ như cán bộ, công chức, viên chức khác.

Bổ sung thêm các chính sách, chế độ được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện như chế độ tai nạn rủi ro, ốm đau, thai sản..., đồng thời kiến nghị bổ sung chế độ được cấp thẻ BHYT khi tham gia BHXH tự nguyện từ 5 năm trở lên.

Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ BHXH 1 lần nhằm phù hợp với điều kiện thực tế và đảm bảo an sinh xã hội lâu dài, hạn chế tối đa số người thoát khỏi lưới an sinh do đã nhận BHXH 1 lần mà không nhận được chế độ hưu trí.

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ có nghiên cứu, ban hành chính sách về chế độ tiền lương hưu đối với giáo viên mầm non thuộc diện truy đóng BHXH theo Công văn số 2150 ngày 22/3/2004 của Bộ GD-ĐT, BHXH Việt Nam phù hợp với tình hình thực tế.(LÊ DIỄM)

Sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT vượt dự toán của Thủ tướng Chính phủ giao

Theo BHXH tỉnh, tổng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) đến hết tháng 11/2023 là hơn 1.538 tỷ đồng. Trong đó, cơ sở KCB công lập hơn 1.123 tỷ đồng, tư nhân hơn 415 tỷ đồng. Ước tính chi phí KCB BHYT chi trong năm 2023 tại cơ sở KCB hơn 1.675 tỷ đồng, vượt dự toán Thủ tướng Chính phủ giao khoảng 7,9%, tương ứng tăng 123 tỷ đồng.

Đến nay, BHXH tỉnh trực tiếp ký kết hợp đồng với 48 cơ sở KCB, BHXH huyện, thị xã, thành phố ký kết hợp đồng với 17 cơ sở. Trong thời gian qua, do việc thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở KCB BHYT công lập đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia khi đi KCB.

Các cơ sở KCB BHYT trong thời gian tới sẽ thực hiện cơ chế thanh toán chi phí theo Nghị định 75ngày 19/10/2023 của Chính phủ. Nghị định 75 đã bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT, và thực hiện thanh toán chi phí KCB BHYT theo phương thức thanh toán theo giá dịch vụ.

Đồng thời, quy định việc giao dự toán chi phí KCB BHYT cho BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thực hiện thông báo số dự kiến chi KCB BHYT tới cơ sở KCB để làm cơ sở lập kế hoạch sử dụng kinh phí KCB BHYT trong năm nhưng không áp dụng làm căn cứ tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí KCB BHYT của cơ sở KCB trong trường hợp vượt số dự kiến chi. (SONG LINH)

DIỄM LỆ