Du lịch thể thao - Hướng đi mới cho du lịch Việt

Tour du lịch cổ vũ đội tuyển bóng đá Việt Nam đắt khách trong thời gian gần đây

Phát triển mạnh sau đại dịch Covid-19

Ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc Flamingo Redtour cho biết, tour du lịch thể thao là một dòng sản phẩm tour chuyên đề. Có 3 loại hình du lịch thể thao. Thứ nhất, tour tổ chức cho du khách đi cổ vũ, xem những giải thể thao như bóng đá, đua xe F1, quần vợt… Thứ hai, tour tổ chức cho du khách tham gia các hoạt động thể thao như golf, marathon, trekkink. Thứ 3, tổ chức các hoạt động thể thao nội bộ cho các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp.

Không phải là sản phẩm quá mới mẻ, nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia, du lịch thể thao sẽ phát triển mạnh sau đại dịch Covid-19 bởi ngoài các trải nghiệm du lịch thông thường du khách còn có được sức khỏe và động lực để tập luyện thể thao. Thị trường Việt Nam bắt đầu khởi phát kinh doanh sản phẩm du lịch thể thao từ khoảng 5 - 7 năm trở lại đây.

Điển hình là một số sản phẩm được thiết kế bán kèm các giải chạy phong trào như giải chạy địa hình và gần đây là các tour do nhiều doanh nghiệp du lịch tổ chức cho người Việt sang nước ngoài xem đội tuyển Việt Nam thi đấu. Ưu điểm của loại hình này là thu hút số lượng khách lớn, sử dụng nhiều dịch vụ địa phương và đặc biệt là xúc tiến điểm đến. Thông qua các sự kiện thể thao, các địa phương tổ chức sự kiện có thể quảng bá hình ảnh, tài nguyên thiên nhiên, di sản…. Hiện tại, Việt Nam nổi lên nhiều phong trào thể thao, vốn trước đó chỉ dành cho dân chuyên nghiệp như golf, chạy bộ, xe đạp, leo núi, sup - kayak, bơi, yoga… Chỉ tính riêng chạy bộ phong trào, Việt Nam hiện có khoảng 40 giải marathon diễn ra tại các địa điểm du lịch nổi tiếng.

Các tour du lịch thể thao ở Hàn Quốc luôn thu hút rất đông du khách trên thế giới, đặc biệt là châu Á tham dự

Xu hướng đại chúng

Trong một bài viết đăng tải trên Cổng thông tin Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, ThS. Trần Tất Đạt (Cty TNHH DL Bravo Đông Dương) đã phân tích, thế mạnh hoạt động du lịch thể thao là không có biên giới, không bị hạn chế bởi bất kỳ yếu tố nào (như văn hóa, giới tính, địa vị xã hội). Thị trường du lịch thể thao cũng vậy, có thể dành cho mọi đối tượng trong xã hội.

Các hoạt động và sự kiện của du lịch thể thao ngày càng có xu hướng đại chúng, có thể thu hút được mọi tầng lớp dân cư, ở mọi lứa tuổi, giới tính, thế hệ, văn hóa, tộc người, nguồn gốc. Tính liên kết của các sản phẩm du lịch thể thao và các sự kiện thể thao có thể góp phần làm dịch chuyển lượng khách du lịch về mặt không gian khi chúng được tổ chức ở khu vực “vùng trũng” trong phát triển du lịch, như thành công của giải chạy marathon xuyên rừng Vietnam Jungle Marathon do Topas Group tổ chức tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông; hoặc làm giảm tính thời vụ khi thu hút nhiều khách du lịch trong mùa thấp điểm như giải Dalat Ultra Trail do Công ty Vietnam MTB tổ chức tại Đà Lạt vào tháng 6 năm 2020.

Ngoài ý nghĩa về kinh tế, du lịch thể thao mang lại cho cộng đồng địa phương những giao thoa về truyền thống văn hóa với du khách. Các sự kiện du lịch thể thao nâng cao nhận thức, thúc đẩy sự quan tâm đến thể thao, lối sống lành mạnh trong cộng đồng, tăng sự gắn kết con người, thúc đẩy hòa bình, giao lưu văn hóa. Bên cạnh đó lợi ích bền vững và ý nghĩa của du lịch thể thao thông qua việc nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tăng cường chất lượng môi trường. Nhờ mối quan hệ chặt chẽ này với môi trường tự nhiên, du lịch thể thao có thể đóng một vai trò quan trọng để nâng cao nhận thức về giá trị của thiên nhiên và tầm quan trọng của việc bảo vệ nó, đồng thời khuyến khích các biện pháp bảo vệ môi trường giữa du khách, người dân địa phương và ngành du lịch.

Việt Nam có nền chính trị ổn định, nguồn nhân lực dồi dào, người dân thân thiện, hiếu khách, chính sách đổi mới tạo nên sự phát triển kinh tế vượt bậc, tạo chỉ số uy tín quốc tế rất cao. Nhờ đó chúng ta rất thuận lợi và có khả năng thu hút các sự kiện thể thao lớn trong khu vực, châu lục và trên thế giới.