Đóng BHXH 10 năm: Khó bảo đảm mục tiêu an sinh

Bộ LĐ-TB-XH vừa hoàn thiện dự thảo sửa đổi Luật BHXH năm 2014 với nhiều nội dung mới. Đáng chú ý, dự thảo có đề xuất sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới 10 năm.

Đề xuất đóng BHXH 10 năm được nhận lương hưu. Ảnh minh họa

Góp ý cho dự thảo trên, ông Phạm Minh Huân - Nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH nhắc lại mục tiêu cao nhất của BHXH phải hướng tới là an sinh xã hội; giá trị lớn nhất của bảo hiểm là khuyến khích được người lao động hướng tới việc tích lũy cả đời để khi người lao động nghỉ hưu họ có được một khoản lương hưu đủ để bảo đảm cho cuộc sống của họ.

Trong khi đó, nguyên tắc của BHXH là sự cân bằng giữa đóng và hưởng. Ví dụ, với người lao động bắt đầu tham gia vào thị trường lao động từ năm 20 tuổi, thì họ phải có được thời gian đóng bảo hiểm từ 30 - 35 năm mới có thể bảo đảm được cho họ một mức hưởng lương hưu đủ để trang trải cho cuộc sống của họ từ lúc nghỉ hưu tới khi qua đời.

Hiện nay, luật BHXH 2014 quy định nếu người lao động đóng đủ 15 năm BHXH thì được 45%. Sau đó, cứ mỗi năm đóng tiếp BHXH, mức hưởng được tính thêm 2%. Mức đóng - hưởng này đang tạo ra sự mất cân đối, vì thế, để bảo đảm sự bền vững, lâu dài cho quỹ thì phải có các biện pháp xử lý như tăng thời gian đóng, giảm tỉ lệ hưởng. Đứng trước thực tế trên, luật BHXH sau này đã có sự điều chỉnh tăng thời gian đóng là 20 năm và mức hưởng vẫn như cũ (45%).

Khi tính toán mức đóng - hưởng này đối với sự an toàn của quỹ là phù hợp, tuy nhiên, khi áp dụng trong thị trường lao động lại chưa thật sự thỏa đáng.

Trong thị trường lao động không phải người lao động nào cũng có thể tham gia đóng bảo hiểm từ năm 20 tuổi, mà có người tham gia sớm hơn hoặc muộn hơn, thậm chí có người tới 40 tuổi mới tham gia thị trường bảo hiểm. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có những trường hợp tham gia bảo hiểm lâu hơn 20 năm nhưng cũng có trường hợp chỉ tham gia được bảo hiểm khoảng 10 - 15 năm.

Như vậy, nếu quy định cứng thời gian đóng tối thiểu là 20 năm mới được hưởng lương hưu thì những người tham gia đóng bảo hiểm muộn chỉ có thể được hưởng một lần. Điều này sẽ khó bảo đảm được mục tiêu an sinh xã hội, ổn định đời sống sau nghỉ hưu cho người tham gia bảo hiểm.

Do đó, có thể phải tính toán giảm dần số năm đóng bảo hiểm, có thể là 15 năm như trước đây. Nhưng nếu quay lại mốc đóng đủ 15 năm sẽ được hưởng lương hưu thì chắc chắn tỉ lệ được hưởng sẽ phải thấp đi, chỉ có thể là 35-40%.

Với trường hợp này, ông Huân cho rằng mức hưởng thấp hơn nhưng vẫn bảo đảm cho họ được hưởng lâu dài trong suốt quá trình nghỉ hưu cho tới khi qua đời. Hưởng lương hưu lâu dài sẽ tốt hơn hưởng lương hưu một lần. Nếu hưởng một lần, người lao động rất có thể sẽ rút hết tiền để chi tiêu và khi về già vẫn không có tiền để trang trải cho cuộc sống. Đến lúc ốm đau, khi không còn khả năng lao động, chắc chắn nhà nước lại phải có chính sách hỗ trợ và như vậy gánh nặng lại đè nặng lên vai nhà nước.

Tuy nhiên, khi giảm tỉ lệ hưởng thấp đi mà mức lương không tăng cũng sẽ khiến cuộc sống của người lao động khi về hưu gặp rất nhiều khó khăn.

Với trường hợp giảm thời gian đóng xuống còn 10 năm thì đương nhiên tỉ lệ hưởng lại tiếp tục giảm hoặc phải tăng mức đóng. Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho hay, để tăng được mức đóng trên nền tiền lương thấp như hiện nay sẽ rất khó.

Hiện nay mức đóng bảo hiểm cũng được coi là rất cao so với mặt bằng lương bình quân, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động. Cụ thể, với mức lương trung bình từ 5-6 triệu/tháng, thì doanh nghiệp đang phải đóng cho người lao động 14%, còn người lao động phải đóng 8%, nếu tính cả mức đóng bảo hiểm ngắn hạn nữa là người lao động đang phải đóng ở mức hơn 30% để được hưởng 45% sau 20 năm.

Nếu giảm thời gian, tăng mức đóng, trên nền lương như hiện tại nhưng giảm mức hưởng xuống khoảng 35%, thì với mức đóng - hưởng trên, sau 15 năm năm người lao động chỉ được hưởng mức lương hưu chỉ khoảng 1,5-2 triệu/tháng, quá thấp, khó bảo đảm được đời sống cho người lao động khi nghỉ hưu.

Hơn nữa, nếu tăng mức đóng thì cả người lao động và doanh nghiệp đều không chịu nổi.

Như vậy, khi giảm thời gian, tăng tỉ lệ đóng BHXH chỉ có thể thực hiện khi mặt bằng tiền lương cũng tăng lên. Khi đó, giá trị được hưởng tuyệt đối của người lao động mới tăng, mới bảo đảm cân đối được đời sống cho người lao động.

"Bài toán đóng - hưởng trong thị trường BHXH thật sự rất khó, buộc các cơ quan quản lý phải tính toán, cân nhắc thận trọng nhiều vấn đề.

Phải làm thế nào để khi giảm thời gian đóng xuống còn 10 - 15 năm thì mức hưởng của người lao động vẫn bảo đảm ở một mức phù hợp. Nếu mức hưởng quá thấp sẽ không thể khuyến khích được người lao động tham gia.

Ví dụ, nếu tăng mức đóng, giảm tỉ lệ hưởng nhưng mức lương bình quân tăng lên 8-9 triệu/tháng, khi đó, mức lương hưu của người tham gia bảo hiểm trên nền lương bình quân sẽ được khoảng 3-4 triệu/tháng. Còn như hiện nay sẽ rất khó bảo đảm được cho đời sống của người về hưu", ông Huân nói.

Ông Huân nhấn mạnh, tham gia BHXH là bài toán tính đường dài, tính cho tương lai của người lao động khi hết khả năng lao động, không phải bài toán lợi ích trước mắt. Do đó, tăng hay giảm thời gian đóng - hưởng đều phải rất công khai, thận trọng. Việc này không dễ, cần lấy ý kiến rộng rãi và phải được Quốc hội quyết định.

Thái Bình