Dẹp nạn chăn dắt ăn xin (*): Xử lý hình sự để răn đe

Bạn đọc PHẠM VĂN CHUNG:

Trừng trị nghiêm kẻ cầm đầu!

Cùng với sự phát triển của xã hội, tệ nạn ăn xin biến tướng tinh vi, có tổ chức, bài bản, chuyên nghiệp, có phân công, điều hành để trục lợi. Thực chất đây là các tổ chức tội phạm, hoạt động bằng việc chăn dắt, bóc lột sức lao động trẻ em, người già, người tàn tật không nơi nương tựa, yếu thế.

Từ đó có thể thấy rằng khó giải quyết triệt để, dù chính quyền và cơ quan chức năng đã nhiều lần ra quân vận động, cưỡng chế. Theo tôi, biện pháp mang lại hiệu quả thiết thực, lâu dài là phải truy tìm, xử lý đối với những kẻ đứng đằng sau bảo kê, chăn dắt. Thật ra, việc tìm ra những đối tượng này không quá khó vì chúng buộc phải thường xuyên ra mặt hoặc có sự liên hệ với người ăn xin để thu tiền, quản lý, bảo kê. Nếu cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, kiên quyết làm đến cùng thì sẽ dễ dàng lần ra dấu vết, truy bắt được những đối tượng này. Việc buộc tội, xử lý các đối tượng cũng khá dễ dàng vì hành vi của họ có dấu hiệu phạm các tội như cưỡng đoạt tài sản, vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi, hành hạ người khác…

Truy bắt, xử lý nghiêm những kẻ cầm đầu, bảo kê chuyên nghiệp thì mới mong giải quyết dứt điểm, triệt để nạn chăn dắt ăn xin.

Bạn đọc THANH VÂN:

Cần sự chung tay từ các tỉnh, thành

Có thể chia ra 2 đối tượng ăn xin. Một là, người thật sự cần sự giúp đỡ như: người khuyết tật, bệnh hoạn, già yếu, trẻ em nghèo, mồ côi... Hai là, đối tượng giả dạng, cơ hội, ăn xin chuyên nghiệp, đặc biệt là đối tượng chăn dắt.

Giải quyết vấn đề chăn dắt ăn xin đòi hỏi phải có thời gian, chiến lược, quy định rõ ràng Ảnh: ANH VŨ

Giải quyết vấn đề xã hội này đòi hỏi phải có thời gian, chiến lược, quy định rõ ràng, bền vững từ trung ương tới địa phương. Trong đó, nhà nước đóng vai trò chủ đạo nhưng rất cần liên kết với các tổ chức từ thiện xã hội, tôn giáo; sự giúp sức, tài trợ từ doanh nghiệp. Đây không hẳn là việc riêng của TP HCM nên rất cần sự chung tay từ các tỉnh, thành khác, trong đó có việc tiếp nhận các đối tượng là người của địa phương mình trước khi thành phố tiến hành phân loại.

Các đối tượng như người già yếu, trẻ em thì đưa vào các trại dưỡng lão, mồ côi của nhà nước hay các tổ chức xã hội, tôn giáo. Người bệnh hoạn cần được chữa trị trước khi chuyển đến nơi phù hợp. Người khỏe mạnh hay trẻ vị thành niên thì đưa vào các cơ sở dạy nghề, trường học hoặc các nhà máy, xí nghiệp… Tất nhiên, mọi đối tượng đều phải có cam kết và chịu trách nhiệm với phương án lựa chọn đó. Riêng với đối tượng chăn dắt, cần mạnh dạn xử lý hình sự để làm gương. Quan trọng là vấn đề phải được giải quyết thường xuyên, bài bản; khâu tiếp nhận phải hiệu quả.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 19-6

Huỳnh Hiếu ghi