Dấu hiệu nhận biết bị lừa đảo việc làm

Khi thị trường việc làm ngày càng nhiều biến động, cơ hội tìm việc của bạn sẽ ngày càng khó khăn hơn. Điều này lại vô tình trở thành "tin vui" của những kẻ lừa đảo việc làm vì chúng sẽ có thêm "con mồi" để kiếm lời từ những chiêu trò phi pháp. Tại Mỹ, FBI từng đưa ra cảnh báo về những kiểu lừa đảo tuyển dụng phổ biến như đóng giả nhà tuyển dụng để lừa tiền hoặc đánh cắp thông tin cá nhân; lợi dụng việc tuyển dụng để bán sản phẩm cho ứng viên...

Trao đổi với CNBC về vấn đề này, huấn luyện viên nghề nghiệp Phoebe Gavin nói rằng các nhà tuyển dụng thực thụ có thể hơi lạnh lùng, nhưng họ sẽ rất thẳng thắn, khác với kiểu lươn lẹo của những kẻ lừa đảo. Ngoài ra, bà Gavin cùng một chuyên gia khác chỉ ra một số mẹo và dấu hiệu nhận biết để phát hiện chiêu trò lừa đảo việc làm, cụ thể như sau.

1. Công việc quá hoàn hảo: Theo bà Amanda Augustine, chuyên gia việc làm tại TopResume, ứng viên cần cảnh giác với những tin tuyển dụng các vị trí quá hoàn hảo như lời hứa giúp bạn kiếm tiền nhanh chóng, tuyển dụng mà không trải qua những thủ tục tiêu chuẩn. Chuyên gia nhấn mạnh rằng quy trình tuyển dụng hợp pháp cần ít nhất một cuộc phỏng vấn, dù là tuyển dụng qua điện thoại. Tuy nhiên, ứng viên cũng cần lưu ý đôi khi kẻ lừa đảo sẽ tổ chức những buổi phỏng vấn giả mạo qua điện thoại để đánh cắp thông tin cá nhân của bạn.

2. Mô tả công việc mơ hồ: Đôi khi, kẻ lừa đảo tuyển dụng sẽ nói với nạn nhân rằng chúng không thể cung cấp thông tin chi tiết về công việc và tin tuyển dụng là bí mật. Các chuyên gia nghề nghiệp nhấn mạnh rằng công ty không có mô tả công việc rõ ràng chính là một "red flag" cần chú ý. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý đến những mô tả công việc mơ hồ, không cung cấp đủ thông tin về chức danh nghề nghiệp, địa điểm làm việc, trách nhiệm đối với người lao động. "Một bản mô tả công việc có nhiều lỗi đánh máy, lỗi chính tả cũng có thể là dấu hiệu của một trò lừa đảo. Tuy nhiên, các công cụ AI có thể giúp kẻ lừa đảo khắc phục vấn đề này nên bạn cũng cần cẩn thận hơn", bà Augustine thông tin.

3. Thông tin trang web, trang mạng xã hội đáng ngờ: Bà Augustine nói rằng bạn có thể nhận biết lừa đảo việc làm thông qua những thông tin liên quan trang web hoặc trang mạng xã hội như hoặc Facebook. Bên cạnh kiểu mạo danh các trang mạng, người lao động cũng cần chú ý liệu người tuyển dụng có sử dụng email của công ty hay không. Ngoài ra, bạn cũng nên cẩn thận khi nhận thông tin liên lạc từ các email có lỗi chính tả hoặc đặt tên email giả mạo những doanh nghiệp có thật.

4. Đừng vội vàng: Lời khuyên cuối cùng mà các chuyên gia việc làm đưa ra chính là đừng vội vàng vì sự nóng vội có thể khiến bạn rơi vào bẫy lừa đảo tuyển dụng. Nhìn chung, những nhà tuyển dụng chân chính sẽ không tìm người, phỏng vấn, chốt lương và ký hợp đồng trong vòng một giờ, nhưng kẻ lừa đảo có thể làm như vậy. Bà Augustine nói rằng công việc sẽ không biến mất trong vài giờ nên khi nhận được lời mời từ một công ty nào đó, bạn nên dành thời gian để xác minh liệu lời mời đó có đáng tin cậy hay không, nhà tuyển dụng liên lạc với bạn có thực sự đang tuyển người hay không...

Thái An