Chính sách điều hành thị trường trái phiếu doanh nghiệp mang lại kết quả bước đầu khả quan

Mặc dù các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động kiểm soát, phát triển thị trường TPDN không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, nhưng thị trường TPDN chưa đạt như kỳ vọng. Điều này càng đòi hỏi việc cần thiết phải thúc đẩy thị trường TPDN tiếp tục "đứng vững" và phát triển ổn định, an toàn, minh bạch.

Ngày 4/12, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức Tọa đàm "Thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững" với sự tham dự của lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp tài chính...

Hình ảnh các đại biểu khách mời tham dự Tọa đàm (Ảnh: M.P)

Lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tăng mạnh

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều chỉ đạo quyết liệt trong các lĩnh vực có liên quan đến thị trường TPDN, từ việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đến duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh cũng như các thị trường có liên quan tới thị trường trái phiếu, như thị trường bất động sản, thị trường tín dụng, thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ của Nhà nước. Trong số các chính sách đó, việc Chính phủ khẩn trương và kịp thời ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 65 và Nghị định 153 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (Nghị định 08), trong đó có chính sách hoãn thực hiện số quy định của Nghị định 65/2022/NĐ-CP cũng như chính sách cho phép doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể có các cơ chế đàm phán, giãn, hoãn và hoán đổi trái phiếu đã phát hành trên tinh thần rủi ro chia sẻ, lợi ích hài hòa giữa các bên. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 08, thị trường đã có những dấu hiệu tích cực hơn, DN đã quay lại phát hành được trái phiếu, nếu như quý I hầu như không có đợt phát hành nào nào, thì từ quý II trở đi, khối lượng phát hành tháng sau đều cao hơn tháng trước. Tới hết tháng 11, có 77 doanh nghiệp phát hành khối lượng khoảng 220.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, căn cứ các quy định của Nghị định 08, doanh nghiệp và nhà đầu tư trái chủ đã rất nỗ lực thực hiện đàm phán thanh toán trái phiếu đến hạn. Ông Dương cho biết, có khoảng 40% khối lượng trái phiếu chậm trả của 68 doanh nghiệp thì đến nay đã có phương án đàm phán, tỉ lệ đàm phán thành công tăng từ 16% tháng 2/2023 lên 63% vào tháng 10/2023. Ngoài ra, những doanh nghiệp bố trí được nguồn lực tài chính đã chủ động mua lại trái phiếu trước khi đến hạn.

Ông Nguyễn Anh Phong, Tổng Giám đốc Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết thêm, Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tập trung đầu tiên của Việt Nam đã đi vào hoạt động, bước đầu hệ thống này đã đạt được kết quả rất đáng ghi nhận. Ngày 19/7 là ngày đầu tiên đi vào giao dịch, có 19 trái phiếu của 3 doanh nghiệp tham gia đăng ký giao dịch; đến nay đã có 760 trái phiếu của hơn 200 doanh nghiệp đăng ký. Như vậy, khoảng 2/3 các doanh nghiệp cũng như trái phiếu trên thị trường đã được đăng ký trên hệ thống giao dịch tập trung này.

“Thống kê của chúng tôi trong 5 tháng, tính từ tháng 7 đến nay thì số lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng hơn 180 nghìn tỷ đồng, tức là gấp 5 lần so với 6 tháng đầu năm. Điều này cũng thể hiện chính sách đã đi vào cuộc sống và thị trường có niềm tin trở lại”, ông Phong cho hay.

Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực đánh giá, trong tất cả nhóm chính sách vừa qua với thị trường TPDN, Nghị định 08 là một trong những cái “được” lớn nhất. Ông cho rằng, đây là quyết sách chưa có tiền lệ và mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là cơ chế giãn, hoãn nợ trái phiếu và cơ chế cho hoán đổi tiền - hàng (đổi TPDN sang bất động sản).

“Bên cạnh đó, tính liên thông giữa thị trường tài chính và bất động sản, tức là song song với Nghị định 08 phải tháo gỡ cả kênh tín dụng, cả kênh thị trường bất động sản là cái được thứ hai. Với hai thị trường này Thủ tướng đã ban hành nhiều công điện, nhiều chỉ thị, nhiều quyết sách trong thời gian vừa qua“, TS Cấn Văn Lực chia sẻ.

Việc quay lại thực hiện Nghị định 65 là cần thiết song cần có lộ trình

TS Cấn Văn lực nhận định, hiện nay Nghị định 08 chuẩn bị hết hiệu lực và sắp tới chúng ta sẽ quay trở lại áp dụng Nghị định 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ; trong đó có 3 điều kiện, điều khoản mà hiện Nghị định 08 đã cho phép là giãn, hoãn. Việc quay trở lại Nghị định 65/2022/NĐ-CP là cần thiết, song cần có lộ trình, có cân đối để tiếp tục kiến tạo cho thị trường phát triển.

Theo TS Cấn Văn lực, Nghị định 08 sửa đổi 3 điều kiện, trong đó thời gian chào bán là không có vấn đề gì, vẫn 60 ngày; nhưng quan trọng là nhà đầu tư chuyên nghiệp thì cân nhắc thời gian tới nên như thế nào. Nếu chúng ta muốn thị trường lành mạnh, đúng đối tượng là người mua có kiến thức, có kinh nghiệm, có hiểu biết thì sẽ áp dụng tiếp điều kiện, điều khoản của nhà đầu tư chuyên nghiệp theo Nghị định 65/2022/NĐ-CP.

Do đó, theo ông, việc xếp hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp với đơn vị phát hành nên có lộ trình phù hợp hơn. Hiện nay, mới có 3 tổ chức phát hành; thứ hai là văn hóa, thói quen của những bên phát hành mua dịch vụ xếp hạng tín nhiệm rõ ràng chưa hình thành ngay được.

Giải pháp thứ hai, TS Cấn Văn Lực cho là rất quan trọng, đó là đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường TPDN. Hiện nay cơ bản chỉ có mỗi TPDN, còn trái phiếu xanh, trái phiếu công trình, trái phiếu bền vững, trái phiếu xã hội thì sao.

Giải pháp thứ ba, theo TS Cấn Văn Lực là đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nhà đầu tư tổ chức rõ ràng chưa có nhiều. Rất mong chúng ta thúc đẩy để có nhiều nhà đầu tư tổ chức hơn, đặc biệt là quỹ đầu tư. Quỹ đầu tư vô cùng quan trọng. Quỹ đầu tư, quỹ hưu trí… là cách chúng ta thu hút đầu tư của xã hội, của nhà đầu tư.

Giải pháp thứ tư là chúng ta nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và dữ liệu. Cuối cùng, giải pháp về tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đặc biệt năng lực, công cụ cho đội ngũ này.

Đồng tình với TS Cấn Văn Lực, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, cần rà soát ngay từ bây giờ Nghị định 08, cái gì sẽ tiếp tục áp dụng và cái gì sẽ không áp dụng để quay lại áp dụng Nghị định 65. Việc này hết sức cần thiết và phải làm khẩn trương. Công việc thì như vậy, nhưng phải có nguyên tắc. Đó là vẫn phải tạo thuận lợi cho thị trường phát triển trong năm 2024.

Ông Hiếu nhấn mạnh thêm, riêng đối với tiêu chuẩn, gọi là tiêu chuẩn đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp, hoạt động trái phiếu chuyên nghiệp nên cân nhắc có thể phân loại trái phiếu sắp tới đây sẽ phát hành mới với chuẩn mới của nhà đầu tư theo Nghị định 65 chẳng hạn. Với những trái phiếu đã phát hành dựa trên chuẩn cũ của Nghị định 153, bây giờ nếu lại áp chuẩn mới vào cho những trái phiếu đã phát hành thì có thể đâu đó ít nhiều về mặt lý thuyết, sẽ có ảnh hưởng đến việc thanh khoản của những trái phiếu đã phát hành trước đây.

“Đây cũng là điều nên cân nhắc. Chúng ta xem xét Nghị định 08 trong bối cảnh phù hợp với thực tế Việt Nam, đồng thời cũng phải tính đến tương lai tăng trưởng sắp tới của thị trường trái phiếu, gọi là bền vững, xanh, minh bạch, an toàn”, ông Hiếu chia sẻ./.

Minh Phương