'Cảo thơm lần giở trước đèn'...

Mà hình như năm nào cũng thế, cứ mưa Xuân phơi phới bay, Rằm tháng Chạp cận ngày, là ông nội lại làm bạn với mấy cuốn sách lưu màu thời gian trên trang giấy vàng nâu còn lấn cấn mùn gỗ. Rồi thể nào nay mai, trong bữa cơm tối ngày áp Tết của gia đình “tam đại đồng đường” chúng tôi, ông cũng tâm đắc nói với cả nhà: “Tết này, nhà mình xin chữ… nhé!”.

Từ ngày tóc pha khói sương rời bục giảng, ông càng có nhiều thời gian cho sách - niềm yêu thích cả đời ông. Cái điềm đạm, trầm tư, mực thước của ông giáo già trân trọng nghề “gõ đầu trẻ” làm tôi thấy ông có chút gì thật gần với ông đồ mực Tàu giấy dó mỗi độ Tết đến Xuân về, dù ông chẳng đóng bộ khăn xếp áo the. Chẳng nặng lời mấy khi, nhưng ở ông nội lúc nào cũng có “cái uy” của người chủ sự trong nhà.

Đúng là “mưa dầm thấm lâu” như cách ông vẫn kiên trì trong rèn dạy cháu con, sống trong nếp gia phong từ tấm bé, tôi bất chợt nhận ra điều ông nói về “chữ thánh hiền” qua mỗi độ Tết cận kề đã ngấm vào trong tôi tự bao giờ. Ông tôi bảo: “Cũng không ai biết phong tục này bắt đầu từ đâu, nhưng từ xa xưa, chữ đã được người Việt coi trọng. Những người biết chữ, không chỉ có cơ hội đỗ đạt làm quan, vẻ vang họ tộc, quê hương mà còn là những hình mẫu của lối sống có đạo đức, có nghĩa, có tình, có tôn ti trật tự, là tấm gương cho mọi người. Chính vì thế, mà chữ được gọi là “chữ thánh hiền”, người biết chữ được gọi là người “có học”…”.

Người dân Hà Nội xin chữ đầu năm tại Hồ Văn, khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Phạm Hùng

Hơn một lần trong chuỗi ngày sống bên ông, tôi được nghe ông kể về tục xin chữ đầu năm, được ông cho “bám càng” đến gặp ông đồ già trên phố Bà Triệu xin chữ.

Ông kể, ngày xưa tục đi xin chữ đầu năm thường là đối với những nhà trí thức của xã hội, họ dùng chữ thánh hiền để giáo hóa chúng sinh, giáo hóa con người. Đầu năm là sự vận hành đồng nhất với thời gian một chu trình sản xuất nông nghiệp, là thời điểm khởi đầu đồng nhất với chu trình cả một đời người, hay chu trình của cả loài người. Và theo quan niệm ấy, đầu năm quan trọng vô cùng, đầu năm hanh thông tốt đẹp thì cả năm “thông đồng bén giọt”, con người mong trong năm ấy được tốt đẹp và chữ ấy thể hiện điều mong ước. Cho nên khi gặp nhiều đau khổ, đầu năm người ta luôn muốn thể hiện ước vọng cho một năm mới nhiều niềm vui hơn. Bởi thế, khách du Xuân xin chữ cũng là để muốn bù đắp cho cái đang thiếu hoặc đang mong muốn đạt được.

Thế nên, ông đồ hiểu ý của người xin chữ để cho chữ đúng với nguyện vọng, dùng chữ thánh hiền để mong muốn đạt được mọi sự tốt lành cho người xin chữ.

Trong ký ức trẻ thơ của mình, tôi vẫn mang máng hình ảnh ông hân hoan từ trường về trên chiếc xe đạp Phượng Hoàng màu Cửu Long, trên ghi đông lúc lắc một cuộn giấy dó chừng 30 phân ngang. Ông cẩn trọng hơn ngày thường khi dắt chiếc xe vào ngõ nhỏ về nhà, dường như sợ tường vôi va quệt vào vật phẩm mà ông nâng niu suốt cả năm ấy.

Đã có lần tôi hỏi ông: “Sao ông không sắm bút lông, tự viết chữ thánh hiền, viết ước vọng năm mới của cả nhà mình?”. Ông cười bằng đôi mắt của một nhà Nho: “Biết xin chữ, chơi chữ đã là khó lắm rồi con ạ!”. Có lẽ vì những sâu xa ấy, mà ở nơi trang trọng trong nhà, tôi chẳng thấy ông treo chữ “Lộc”, chữ “Phú” bao giờ, chỉ thấy những chữ “Nhẫn”, chữ “Phúc”, chữ “Đức”, chữ “Nhân”, chữ “Tâm”, sau này là chữ “Thọ”, chữ “An”… Mà bên dưới những chữ Nho tựa như bức tranh rồng bay phượng múa ấy bao giờ cũng đi kèm cả một câu tựa như thơ. Dưới bức họa chữ “Tâm” trong nhà tôi năm nào là dòng chữ “Tâm như thủy” mà như ông tôi bảo: ý của ba chữ này là “Tâm mênh mông như nước, tôi không với tới được thì tôi sẽ hướng tới”...

Tháng năm gõ nhịp trên những đổi thay nơi Hà thành đô hội. Mới mẻ, hiện đại hôm nay thế chân những xưa cũ hôm nào, nhưng có vẻ những thảo thơm, những tao nhã của Hà Nội không mất đi. Chúng vẫn đi về trong nhịp sống đương thời hối hả, vẫn lưu dấu tươi đẹp trong những bóng dáng thời hiện đại, ví như tục xin chữ thánh hiền này.

Tất nhiên ngày nay, việc xin chữ thánh hiền không còn nặng nghi lễ như thuở xưa. Dẫu vậy, hình ảnh người viết câu đối, người viết lời chúc, người viết chữ… đủ các kiểu hành, chân, triện, lệ… đủ các chất liệu giấy, gỗ, trúc, tre…; người xếp hàng, ngồi ghế chờ đến lượt, trân trọng cầm tờ giấy còn ướt mực, ngắm nét chữ phượng múa rồng bay cũng đủ là một hình ảnh đẹp, đủ làm ấm lòng người đương thời say đắm nếp thói Hà Nội một thuở kinh kỳ.

Đã hơn chục năm nay, từ những ngày cuối tháng Chạp cho tới đầu tháng Giêng, Văn Miếu - Quốc Tử Giám rộn chân người đến xin chữ. Mà hình ảnh ông đồ khăn đóng áo the ấy không chỉ quen thuộc ở ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam, mà còn hiện diện ở nhiều dãy phố cổ, nhiều cổng chùa, đình làng hoặc tại gia của một nhà thư pháp nào đó. Ông đồ già thì viết chữ Hán, ông đồ trẻ viết thư pháp Việt, tùy theo nét bút tài hoa của mỗi ông đồ mà khách xin chữ Hán Nôm hay chữ Quốc ngữ.

Sau thời gian nghiên bút lẻ tẻ trên vỉa hè các phố, giờ phía trong Văn Miếu và khu hồ Văn đã được sắp xếp thành nơi xin chữ, cho chữ trang trọng. Ông đồ muốn được vào đây thảo nét chữ phượng múa rồng bay đều phải kinh qua kỳ sát hạch tuyển chọn khá khắt khe: phải hiểu biết về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, am hiểu về thư pháp, kỹ năng, viết đúng, viết đẹp...

Không bàn quá nhiều về những khối chữ ô vuông thảo mực Tàu trên giấy dó ấy là chữ Hán, chữ Nho hay chữ Quốc ngữ, chỉ chắc một điều nó là chữ Thánh hiền quý giá vì chuyên chở theo văn hóa và những nội hàm đạo đức trong lẽ sống người Việt bao đời và người chốn 36 phố phường xưa nay. Nó là hiện thân cho những tao nhã Hà thành tưởng đã bị lãng quên trong xô bồ hội nhập, cải biến văn hóa; là niềm hân hoan cho những người hay hoài niệm xưa như ông tôi và tôi, để mỗi khi đọc đến khổ cuối bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên không còn cảm thấy ngậm ngùi nuối tiếc. Nói như một nhà nghiên cứu văn hóa: chắc chắn rằng tâm hồn những con người xưa cũ ấy không hề biến mất hay bị thời đại quên lãng, mà chúng đơn giản là đã được chuyển hóa thành niềm nhiệt huyết hừng hực cháy của tuổi trẻ theo mỗi nhịp sống, của những con người đang ngày đêm cố gắng lưu giữ và vực dậy nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt hay nhỏ bé hơn là của đất kinh kỳ Kẻ Chợ này mà thôi!

Chỉ còn cánh cánh bên lòng một nỗi lo lắng hơi xa xôi khi cảm nhận về sự thương mại hóa đang chen chân vào nơi cư ngụ của bút nghiên giấy dó hôm nay. Chữ thánh hiền không còn đơn thuần là “Xin và cho” mà đã thành “Mua và bán”; có nơi ông đồ không chờ người đến xin mới viết chữ theo thỉnh cầu, mà tự viết ra rồi treo lên giới thiệu và… bán. Đã bán với mua trong lĩnh vực của Tâm của Trí thì đâu còn là nét đẹp văn hóa truyền thống, là đạo học thanh cao vốn được tôn vinh tự thuở nào?

Nhắc đến nỗi lo lắng xa xôi này, ông tôi cũng trầm ngâm lắm, nhưng ông vẫn một mực tin vào đạo học bền lâu: “Cũng chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” thôi! Chỉ cần ngay từ bây giờ các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý văn hóa có một sự điều chỉnh hợp lý để thể hiện truyền thống hiếu học theo đúng nghĩa văn hóa vốn có của nó…”.

“Cảo thơm lần giở trước đèn…”, sau bấy nhiêu thăng trầm thời gian, hình ảnh ông đồ với mực Tàu giấy dó tưởng chỉ còn trong hoài niệm, trong nỗi thương nhớ không thôi của người yêu đất kinh kỳ ngàn năm, thì nay đã trở lại thân quen trong đời sống đô thành.

Ông đồ già thì viết chữ Hán, ông đồ trẻ viết thư pháp Việt, họ đã sum tụ lại trên mảnh đất tôn vinh truyền thống hiếu học của người Việt, cùng nhau khôi phục và gìn giữ một nét đẹp trong văn hóa người Việt - xin chữ đầu Xuân. Tết bỗng trở nên ấm áp hơn với sắc đỏ sắc vàng của giấy dó, của những nét chữ rồng bay phượng múa và nét hân hoan của người xin được chữ như ý muốn, hy vọng vào một năm mới an khang, vạn sự như ý đang đến bên thềm.

Nhật Minh