Các loại tiền lương, mức đóng bảo hiểm tăng theo lương cơ sở từ 1/7

Các loại tiền lương tăng theo lương cơ sở từ 1/7

Lương cơ sở không chỉ được dùng làm căn cứ tính lương hưu, trợ cấp ảo hiểm xã hội (BHXH) mà còn được dùng để tính nhiều chế độ khác như tiền đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.

Chính phủ đề xuất chưa bãi bỏ lương cơ sở khi cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024. Thay vào đó, đề xuất điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (tức tăng 30%).

Với sự điều chỉnh này, có nhiều khoản đóng cũng như một số chế độ lương hiện hưởng sẽ đồng loạt tăng theo lương cơ sở.

Cụ thể, 3 loại tiền lương quan trọng sẽ tăng từ ngày 1/7/2024 gồm lương công chức, lương hưu, lương tối thiểu vùng cho người lao động.

Tăng lương cán bộ, công chức, viên chức

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó có nội dung về thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2024. Theo đó, trong chính sách tiền lương mới mở rộng quan hệ tiền lương từ hệ số lương 1 - 2,34 – 10 của hiện nay lên thành 1 - 2,68 - 12.

Với việc mở rộng quan hệ tiền lương này thì mức lương thấp nhất của công chức, viên chức sẽ tăng khá cao (so với mức lương khởi điểm 3,5 triệu đồng của công chức, viên chức có trình độ trung cấp, hệ số lương 1,86 hiện nay).

Đồng thời, mức lương trung bình của công chức, viên chức cũng có mức khởi điểm với hệ số 2,68 (cao hơn so với hệ số 2,34 hiện nay). Được biết với hệ số 2,34 thì công chức, viên chức có trình độ đại học có mức lương khởi điểm hơn 4,2 triệu đồng/tháng.

Mức lương cao nhất của công chức, viên chức tương ứng với bậc 3 của chuyên gia cao cấp (bằng lương bộ trưởng) cũng được nới rộng từ hệ số 10 lên hệ số 12. Vì thế, mức lương mới cao nhất của công chức, viên chức dự kiến sẽ cao hơn (so với con số 18 triệu đồng hiện nay).

Như vậy, từ ngày 01/7/2024 tiền lương trung bình của công chức, viên chức tăng khoảng 30%. Mức tăng lương cụ thể cho từng đối tượng sẽ phụ thuộc vào vị trí việc làm, hiệu quả công việc,…

Tăng lương hưu

Tại họp báo chiều 20/6, Bộ trưởng Nội vụ ạm Thị Thanh Trà cho biết Bộ Chính trị đã thống nhất thực hiện 4/6 nội dung đã rõ trong đề án cải cách tiền lương, trong đó tăng 15% lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6/2024).

Với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì sẽ được tăng 300.000 đồng/tháng. Người có mức hưởng từ 3,2 đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng.

Trợ cấp ưu đãi người có công tăng 35,7% từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng/tháng. Bộ Nội vụ giải thích mức điều chỉnh này giống như năm 2023 khi trợ cấp ưu đãi người có công cao hơn 5,7% mức tăng lương cơ sở.

Từ ngày 1/7, Chính phủ cũng điều chỉnh chuẩn trợ giúp xã hội, tăng 38,9% từ 360.000 lên 500.000 đồng/tháng.

Tăng lương tối thiểu vùng

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội xem xét, cho ý kiến về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và ợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.

Theo đó, điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng 6% áp dụng từ ngày 1/7/2024); quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 1/1/2025).

Với mức điều chỉnh lương tối thiểu thêm 6% thì tiền lương tối thiểu sẽ tăng thêm 200.000 đồng đến 280.000 đồng tùy vùng.

Cụ thể, sau khi điều chỉnh tăng thì mức lương tối thiểu theo từng vùng như sau: Lương vùng 1 nâng lên 4.960.000 đồng; vùng 2 là 4.410.000 đồng; vùng 3 là 3.860.000 đồng và vùng 4 đạt 3.450.000 đồng.

Đối với mức lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6% từ ngày 1/7/2024. Cụ thể, vùng 1 tăng lên 23.800 đồng; vùng 2 là 21.200 đồng; vùng 3 là 18.600 đồng; vùng 4 là 16.600 đồng.

Với sự điều chỉnh này, mức đóng các loại bảo hiểm như bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thay đổi theo.

Mức đóng các loại bảo hiểm khi tăng lương cơ sở

Khi lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng, mức đóng các loại bảo hiểm cũng sẽ tăng theo.

Tăng mức đóng BHXH bắt buộc

Hiện trong cơ cấu đóng BHXH bắt buộc, người lao động sẽ đóng 10,5% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH (8% vào Quỹ Hưu trí tử tuất, 1,5% vào Quỹ BHYT, 1% Quỹ BHTN).

Khi lương cơ sở tăng 30% thì lương cơ bản cũng tăng tương ứng, mức đóng BHXH bắt buộc của người lao động cũng tăng theo lương.

Nhưng người lao động chỉ đóng 8% tiền lương vào Quỹ Hưu trí tử tuất, người sử dụng lao động đóng đến 14%. Do đó, số tiền phải đóng vào Quỹ Hưu trí tử tuất tăng không đáng kể (8% của phần lương cơ bản tăng thêm) nhưng mức lương hưu khi hưu trí sẽ tăng cao (22% của phần lương cơ bản tăng thêm).

Tăng mức đóng BHXH tối đa

Luật BHXH hiện hành quy định mức đóng BHXH cao nhất bằng 20 lần tháng lương cơ sở. Như vậy, mức đóng cao nhất từ ngày 1/7 sẽ tăng từ 36 triệu đồng/tháng lên mức 46,8 triệu đồng.

Mức tăng này có ý nghĩa lớn đối với những lao động có mức lương cao. Vì hạn chế mức đóng BHXH tối đa nên nhiều lao động lĩnh lương cả trăm triệu đồng/tháng nhưng mức lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của họ chỉ là 36 triệu đồng/tháng.

Từ 1/7, mức đóng tối đa tăng lên 46,8 triệu đồng/tháng thì các chế độ BHXH của người lao động có mức lương cao như thai sản, ốm đau, hưu trí… đều sẽ tăng theo.

Trợ cấp thai sản một lần tăng từ 3,6 triệu lên 4,68 triệu đồng. Luật hiện hành quy định lao động nữ sinh con, lao động nữ nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi nhận trợ cấp một lần bằng hai tháng lương cơ sở tại tháng sinh con hoặc nhận con nuôi. Nếu mẹ sinh con nhưng không đóng BHXH hoặc không đủ điều kiện hưởng mà người cha đủ điều kiện thì cha được nhận trợ cấp một lần.

Trợ cấp mai táng tính bằng 10 lần mức lương cơ sở, tăng tương ứng từ 18 triệu lên 23,4 triệu đồng. Trợ cấp tuất hàng tháng với thân nhân mỗi lao động qua đời bằng 50% mức lương cơ sở, tức nâng lên 1,17 triệu đồng thay vì 900.000 đồng như hiện tại. Thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng hưởng mức trợ cấp bằng 70% lương cơ sở, tức 1,638 triệu đồng.

Tăng mức đóng BHYT hộ gia đình, học sinh - sinh viên

Hiện mức đóng BHYT hàng tháng của người tham gia BHYT hộ gia đình được quy định như sau: "Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất".

Khi lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng, mức đóng BHYT hộ gia đình cũng tăng theo.

Mức đóng BHYT hàng tháng của học sinh, sinh viên cũng được tính bằng 4,5% mức lương cơ sở. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, người tham gia đóng 70%. Khi tăng lương cơ sở, mức đóng cũng sẽ tăng theo.

Ngoài ra, một số quyền lợi khác gắn liền BHXH cũng tăng khi nâng lương cơ sở.

Chẳng hạn, đoàn phí công đoàn hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, đoàn phí tối đa bằng 10% lương cơ sở, tức tăng lên 234.000 đồng thay vì 180.000 đồng như hiện hành.

Trợ cấp thất nghiệp tối đa sẽ tăng lên 11,7 triệu đồng. Bởi luật hiện hành quy định trợ cấp thất nghiệp mỗi tháng bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước nghỉ việc, tối đa không qua 5 lần lương cơ sở với công chức, viên chức, lao động khu vực nhà nước.

Minh Anh