Bức ảnh gây sửng sốt

Một con rắn nước mặt chó đang ngoạm con cá Ladder gudgeon. ẢNH: DARYL TAN.

Khi Daryl Tan, một nhiếp ảnh gia đam mê chụp ảnh rắn, đến rừng ngập mặn ở Công viên Pasir Ris vào tháng 6/2023, anh đã có khám phá ngoài sức tưởng tượng: Một sinh vật được cho là đã tuyệt chủng ở .

Đó không phải là một con rắn mà là một con cá chỉ còn được biết tới qua một bức tranh màu nước hơn 160 năm tuổi.

Phát hiện bất ngờ

Ladder gudgeon (cá đục thang), hay bostrychus scalaris (cá bớp), là một loài cá quý hiếm và ít người biết, được đặt tên theo dải hoa văn giống như bậc thang trên thân cá. Nhà tự nhiên học người Pháp F. L. de Castelnau lần đầu tiên ghi lại hình ảnh loài cá này qua bức tranh màu nước trong một cuốn sổ tay được biên soạn ở Singapore năm 1858-1862.

Tiến sĩ Tan Heok Hui, nhà ngư học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Lee Kong Chian, cho biết những bức ảnh của Tan được chụp tại khu rừng ngập mặn ở Công viên Pasir Ris vào ngày 3/6/2023, có thể là bằng chứng hình ảnh đầu tiên về sự tồn tại của sinh vật này ở Singapore.

Anh Tan, một nhà giáo dục 35 tuổi, đã chụp ảnh rắn ở Singapore từ năm 2005 và bắt đầu thực hiện nhiều chuyến đi vào ban đêm hơn kể từ cuối năm 2021 để quan sát nhiều loài rắn sống về đêm.

“Đêm đó, tôi thấy thủy triều dâng cao nên quyết định ghé qua khu rừng ngập mặn ở Công viên Pasir Ris để xem có thể tìm thấy loài rắn nào khi thủy triều dâng và khi thủy triều rút”, anh nói.

“Lúc đó chỉ có mình tôi. Khi sắp đến khu rừng ngập mặn, tôi nghe thấy tiếng nước bắn tung tóe và quay lại nhìn. Một một tia sáng trắng hiện lên, theo sau là một cái đuôi mỏng”.

Tan biết rằng thủy triều lên là thời điểm thích hợp để rắn nước săn mồi và anh đoán có con rắn nước nào đó đã bắt được một con cá. Tiến lại gần vùng nước bắn tung tóe, anh nhìn thấy một con rắn nước mặt chó đang cắn một con cá.

Tan không biết nhiều về cá, nhưng dù với kiến thức hạn hẹp của mình, anh cũng có thể nhận ra đó không phải là loài cá thông thường.

Sau đó, anh nhờ bạn bè giúp đỡ để xác định con cá, nhưng không ai có thông tin. Và Tan đăng ảnh lên trang Instagram của mình.

Ba tháng sau đó, vào tháng 9/2023, Lin Jiayuan, sinh viên năm thứ nhất tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), tình cờ xem được bài đăng của anh Tan và nhận ra con cá trong ảnh.

Lin đang nghiên cứu kỹ thuật sinh học tại NTU.

Anh cho biết: “Cá đục thang là một loài cực kỳ đặc biệt vì nó có kiểu thân mang vạch rất độc đáo”.

Thực tế, chàng sinh viên 22 tuổi vốn đam mê động vật, đặc biệt là động vật không xương sống và cá từ khi còn học tiểu học, nhưng anh cũng không thể phát hiện loài cá ngay từ cái nhìn đầu tiên. Xem thêm các bức ảnh còn lại đã giúp anh xác định được con vật.

“Sau khi xem một trong những bức ảnh cho thấy đường vân của con cá rất chi tiết, tôi gần như hoàn toàn chắc chắn về loài của nó”, anh nói.

Sau khi gửi bình luận vào bài đăng của anh Tan, Lin đã chia sẻ về bài đăng này với hai người tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Lee Kong Chian - tiến sĩ Tan Heok Hui, cũng như ông Kelvin Lim, người phụ trách bảo tàng về các loài lưỡng cư, chim, cá, động vật có vú và bò sát. Cả hai đều đồng ý với phát hiện của Lin.

Hai người cũng cùng nhau nộp Hồ sơ Đa dạng sinh học trên ấn phẩm Nature In Singapore của bảo tàng, một tạp chí trực tuyến miễn phí, bình duyệt, chuyên đăng các bài viết về hệ thực vật và động vật trong nước.

“Biểu tượng của hy vọng”

Tiến sĩ Tan Heok Hui nói với tờ The Straits Times rằng những phát hiện hiếm thấy như vậy cho thấy những hiểu biết của chúng ta về đời sống tự nhiên ở Singapore vẫn còn hạn hẹp.

“(Nhưng) một khi sự hiện diện của những loài động vật quý hiếm như vậy được biết đến, chúng ta có thể nỗ lực giám sát và bảo tồn chúng. Nếu thông tin được thu thập đủ, loài này có thể được đánh giá và tình trạng bảo tồn của chúng có thể được cập nhật trong Sách Đỏ Singapore”, tiến sĩ Tan nói.

Sách Đỏ Singapore cung cấp các thông tin như tên khoa học, tên thông dụng và mô tả của từng loài thực vật, động vật tại đây. Tài liệu này cũng đề cập đến tình trạng bảo tồn quốc tế về mức độ bị đe dọa của từng loài và cũng xác định tình trạng địa phương của loài động vật đó.

Anh Lin nói với ST rằng phát hiện này làm tăng khả năng các loài động vật khác, có thể được cho là đã không còn ở Singapore do mất môi trường sống vì quá trình đô thị hóa, vẫn có thể sống sót trong các khu rừng ngập mặn còn lại.

Anh cho biết đây thậm chí có thể được coi là “biểu tượng hy vọng” cho không chỉ loài cá này mà còn cho các loài khác có chung môi trường sống tương tự nhưng đã lâu không được nhìn thấy.

Vị chuyên gia cho biết thêm rằng khám phá này làm nổi bật thực tế là những không gian tự nhiên tương đối nhỏ như rừng ngập mặn tại Công viên Pasir Ris vẫn có thể là nơi trú ẩn cho các loài động vật hoang dã quý hiếm và/hoặc bị đe dọa.

“Nó cũng đóng vai trò như một lời nhắc nhở về sự xáo trộn từ các hoạt động của con người có thể gây những tác động vô hình đến hệ sinh thái ở những không gian hoang dã như vậy - sự suy giảm quần thể chim có thể gây chú ý, nhưng cái chết của một loài cá ẩn nấp trong vùng nước ngập mặn âm u, khuất tầm nhìn của hầu hết con người thì sao?”, vị chuyên gia đặt vấn đề.

Tan nói rằng anh hiểu hết được được tầm quan trọng của việc phát hiện loài cá này đối với các nhà ngư loại học. Nhưng anh lưu ý rằng hiện gần địa điểm anh chụp hình con cá đang có kế hoạc phát triển một khu nhà.

“Mọi người có thể đoán được kế hoạch xây dựng đó tác động như thế nào đến động vật hoang dã ở khu vực lân cận của Công viên Pasir Ris và rừng ngập mặn”, Tan lo ngại. “Trong trường hợp xấu thì phát hiện này có thể là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng người ta nhìn thấy loài bostrychus scalaris”.

Hạ Cúc

Ảnh: Daryl Tan