Bao giờ hết dịch, tôi sẽ… (*): Mong ước gặp người thân, bạn bè

Chị NGUYỄN THỊ THU HỒNG (huyện Hóc Môn, TP HCM): Mong gặp và ôm bạn bè thật chặt

Gia đình tôi đã trải qua 14 ngày với nhiều cảm xúc lẫn lộn khi 10 thành viên trong nhà, bao gồm người lớn tuổi có bệnh nền, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai và sản phụ…, là F0. Thời điểm nhận thông tin, tất cả đều sốc và sợ, không biết phải bắt đầu từ đâu.

Phải mất vài tiếng định thần, tôi xác định sẽ chia nhóm để giải quyết. Ba tôi có bệnh nền về phổi và em dâu đang mang thai, tôi nhờ địa phương hỗ trợ chuyển đến bệnh viện huyện để điều trị. Các thành viên còn lại chia 3 phòng, tự cách ly, điều trị tại nhà. Tôi mua thuốc, thực phẩm cho cả gia đình dùng dần.

Ban đầu mọi việc khá ổn, đến ngày thứ ba, mọi người bắt đầu mệt, sốt, ớn lạnh, ho nhiều, đau nhức. Mẹ tôi là người khỏe nhất nhóm nhưng cũng không thể tự nấu ăn. Bà xuống sức nhanh, bỏ ăn uống, nằm lì trên võng. Em dâu gọi điện thông báo thường xuyên bị khó thở, ho nhiều. Cháu bé sinh non khi mới 30 tuần tuổi đang ở nhà cũng có dấu hiệu nóng sốt dù ngày đầu kết quả test nhanh âm tính. Không còn cách nào khác, tôi nhắn lên cơ quan cầu cứu, nhờ hỗ trợ các thủ tục nếu có chuyển viện.

Được sự hỗ trợ của lãnh đạo, các đồng nghiệp cơ quan hướng dẫn thủ tục và kinh nghiệm chuyển viện; gọi điện, nhắn tin động viên, hỗ trợ thực phẩm, máy thở, máy đo nồng độ ôxy…, tôi an tâm, bình tĩnh hơn.

Bên ngoài, chị em, bạn bè thân quen cũng tiếp tế từ xa, người gửi thực phẩm, thuốc, gói lá xông, người phụ tôi nấu thức ăn tiếp tế... Họ còn thay nhau gọi điện động viên ba mẹ tôi cố gắng ăn uống, vận động để mau chóng hồi phục.

Chiếc lều nhỏ xinh được đặt mua để con trẻ không buồn chán bởi những ngày phải ngồi yên trong nhà. Ảnh: NGÔ THỊ ĐÀ

Đến hôm nay, những thành viên F0 đã tạm ổn. Em dâu tôi chuyển dạ ở tuần 36, được bệnh viện huyện chuyển lên Bệnh viện Hùng Vương rạng sáng 8-8 và mổ bắt con an toàn. Cháu bé sinh non cùng mẹ đang ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng tạm ổn.

Sóng gió đã qua, việc đầu tiên tôi làm là trả lại máy thở còn nguyên vẹn cho một đồng nghiệp trong cơ quan để tiếp tục giúp đỡ bệnh nhân khác. Những phần thực phẩm, thuốc được cơ quan, bạn bè hỗ trợ chưa dùng tới, tôi để riêng một góc, sẽ chuyển đến Ủy ban MTTQ xã để hỗ trợ những người gặp khó khăn do dịch bệnh.

Tôi mong tình hình dịch sớm ổn định để có thể gặp bạn bè, đồng nghiệp, ôm họ một cái thặt chặt, cùng uống chén trà, ăn một bữa cơm, như một lời tri ân.

Chị NGÔ THỊ ĐÀ (quận Tân Phú, TP HCM): Về ăn cơm mẹ nấu và nấu cho mẹ ăn

Tôi nhớ mẹ lắm, chỉ mong dịch bệnh sớm qua để gia đình tôi lên tàu về quê thăm mẹ, ăn những bữa cơm mẹ nấu và nấu cho mẹ ăn. Vậy thôi, đủ bình an và hạnh phúc rồi.

Mấy tháng nay ở nhà, 2 con nhỏ thiếu nắng, thiếu vận động, muốn ra ngoài lắm. Để "dụ" con chơi, tôi lục tung đồ chơi trong nhà, từ đồ lego đến màu nước, giấy vẽ… và đặt mua 1 chiếc lều bé xinh cho con bày trò. Cũng may các con hợp tác, chơi với nhau hòa hợp.

Mỗi ngày, theo dõi thông tin về dịch bệnh, cảm xúc nặng nề đến khó tả. Những lúc này, những người tha hương càng nhớ quê da diết, nhớ cha mẹ, nhớ người thân và cầu mong họ bình an trong dịch bệnh.

Chưa bao giờ tôi thèm ăn những món ăn đơn giản mẹ nấu đến như vậy. Là những chiếc bánh đập vừa được mẹ tráng nóng hổi chấm suông với chén mắm cái cay cay, hay tô mì Quảng với sườn heo và vài cọng rau thơm.

Về với mẹ, tôi sẽ nấu cho mẹ ăn những món ăn mình học được từ những người bạn ở TP HCM như thịt kho trứng với nước dừa, cá kho quẹt kiểu miền Nam vừa lạ miệng vừa hao cơm.

Về với mẹ, để thấy bình an, để thấy an tâm khi mẹ khỏe, vui vầy với con cháu. Mong lắm rồi!

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-8

Huỳnh Hiếu ghi